Hà Nội: Nhiều hộ kinh doanh vẫn gặp khó 'hậu' giãn cách xã hội

Tuy đã được phép mở cửa trở lại nhưng không ít cơ sở kinh doanh tại Hà Nội vẫn dè dặt, mở cầm chừng, một số thì vẫn tiếp tục dừng hoạt đông hoặc sang nhượng, thanh lý cửa hàng...
Hàng dài những tấm biển đỏ "cho thuê cửa hàng","trả mặt bằng","cửa hàng đóng cửa" trên các tuyến phố. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hàng dài những tấm biển đỏ "cho thuê cửa hàng","trả mặt bằng","cửa hàng đóng cửa" trên các tuyến phố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau gần 2 tháng Thủ đô cho đóng cửa các hàng quán để phòng chống dịch COVID-19, đến nay nhiều cửa hàng đã mở cửa đón khách trở lại. Tuy nhiên, đi kèm với niềm vui khi được hoạt động lại là những nỗi lo của nhiều chủ hộ kinh doanh khi phải đối mặt với các hệ quả của dịch bệnh...

Trả cửa hàng, đóng cửa vì ‘cạn lực’

Ghi nhận tại khu vực phố cổ vốn vẫn được biết tới là khu “đất vàng” kinh doanh, những con phố được mệnh danh là “hái ra tiền” như Hàng Ngang, Hàng Đào… cho thấy tuy có phần nhộn nhịp trở lại nhưng hoạt động kinh doanh không hề khởi sắc. Nằm ở gần vị trí ngã ba Hàng Đào-Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), cửa hàng quần áo của chị Liên dù được mở cửa hoạt động trở lại nhiều ngày nhưng số lượng khách ra vào cũng chỉ lác đác vài người.

“Ban đầu tôi cũng suy nghĩ sẽ cố gắng cầm cự qua mùa dịch để tiếp tục bán hàng, do cũng được chủ nhà hỗ trợ giảm giá thuê. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài quá lâu nên tài chính cạn dần mà lại ế khách nên tôi đang suy nghĩ đến việc đóng cửa hàng, tìm cơ hội khác,” chị Liên buồn bã chia sẻ.

Không chỉ riêng thời trang mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trong phố cổ cũng gặp phải tình trạng “quá thê thảm.” Đi dọc các phố như Hàng Mã, Hàng Đường, Hàng Cân đến Bát Đàn, Bát Sứ… dễ nhận thấy từ khách sạn lớn, khách sạn nhỏ tới các homestay, nhà nghỉ… đều có điểm chung là “cửa đóng, then cài” hoặc tấm biển đỏ với dòng chữ “đóng cửa” hay “sang nhượng khách sạn”…

Từ đợt dịch năm ngoái, những hộ kinh doanh ngành dịch vụ kể trên đã phải trải qua một chu kỳ tạm dừng hoạt động, “thoi thóp” mở lại rồi lại tiếp tục ngừng… Cho đến nay, hầu hết các chủ kinh doanh này đều buộc phải tuyên bố “phá sản” hoặc dừng vĩnh viễn, chỉ còn một số rất ít cầm cự hoạt động.

Ông Hoàng, một người dân tại khu vực phố Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi rồi mà chưa thể tưởng tượng được sẽ có ngày việc buôn bán, kinh doanh tại khu vực này lại trầm trọng, trì trệ như hiện nay. Có lẽ sẽ mất rất lâu việc kinh doanh tại khu vực phố cổ mới có thể trở lại như thời gian trước kia…”

Hà Nội: Nhiều hộ kinh doanh vẫn gặp khó 'hậu' giãn cách xã hội ảnh 1Một cửa hàng doanh dịch vụ Internet đang tháo dỡ trang thiết bị để sang nhượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn tại khu vực phố Nguyễn Hiền (quận Hai Bà Trưng) - nơi từng được mệnh danh là “kinh đô giải trí” của sinh viên Thủ đô với nườm nượp các quán Internet giải trí nối tiếp nhau hoạt động ngày đêm, nay chỉ còn là hình ảnh trong quá khứ.

Theo ghi nhận, các hộ kinh doanh Internet tại khu vực này đều phải dừng hoạt động từ tháng Tư theo quy định của chính quyền cho đến nay vẫn chưa được mở cửa trở lại. Hiện tại, một số hộ thì chuyển sang kinh doanh…đồ ăn mang về, một số khác thì mong muốn thanh lý máy móc, sang nhượng cửa hàng nhưng vẫn chưa tìm được đối tác…

“Khi dịch bệnh ập đến thì hàng quán chúng tôi luôn là đối tượng phải đóng cửa đầu tiên và được mở cửa cuối cùng. Trước kia, tôi phải vay ngân hàng trả lãi để mở rộng kinh doanh bán hàng, chưa kịp trả một nửa thì đã phải dừng hoạt động, đồ đạc muốn thanh lý để bù lỗ cũng chẳng biết bán cho ai…” bà Nguyễn Thị Phượng, chủ hộ kinh doanh Internet phố Nguyễn Hiền thở dài nói.

Tiểu thương ‘dè dặt’ kinh doanh

Thực tế, tuy đã được phép mở cửa trở lại nhưng không ít cơ sở kinh doanh tại Hà Nội vẫn có tâm lý dè dặt và mở cầm chừng, một số thì vẫn tiếp tục đóng cửa hàng.

Theo ý kiến của một số hộ kinh doanh, việc được hoạt động trở lại không khác gì được “tái sinh” sau một thời gian dài phải đóng cửa song họ vẫn phải trang trải một loạt các chi phí thuê nhà, nuôi nhân công… Vì thế mà, tâm lý chung của họ là vừa lo lượng khách không như kỳ vọng, lại vừa lo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ khi nào.

[Hà Nội: Nhiều cửa hàng trên các phố lớn tiếp tục đóng cửa, sang nhượng]

Anh Huỳnh Minh, chủ cửa hàng bán bún bò tại phố Nguyễn Hiền (quận Hai Bà Trưng) cho biết qua 4 đợt giãn cách kéo dài gần 2 tháng, mọi hoạt động kinh doanh của cửa hàng anh đã phải tạm dừng, giờ mở cửa trở lại thì có rất nhiều việc cần phải chuẩn bị như nguyên liệu, nhân công… chi phí vận hành sẽ tăng cao mà chỉ cho phép bán hàng mang về nên lượng khách sẽ không nhiều, không đủ trang trải chi phí.

Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng anh Minh mà còn là của các đơn vị kinh doanh nói chung trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Nhiều hộ kinh doanh vẫn gặp khó 'hậu' giãn cách xã hội ảnh 2Một số các cửa hàng vẫn chưa mở cửa mặc dù đã được phép hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

“Hà Nội vẫn có những ca mắc COVID-19 mới, do vậy việc các hàng quán hoạt động như thế nào hoàn toàn trên cơ sở khả năng kiểm soát dịch. Sau vài đợt dịch bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh đã chịu quá nhiều thiệt hại nên trước mắt họ chỉ dám chạy thử nghiệm để duy trì, nếu vội vàng hoạt động hết công suất rồi dịch bùng phát trở lại, phải đóng cửa thì có thể còn thiệt hại hơn rất nhiều,” anh Cao Hải, một chuyên gia trong ngành F&B cho hay.

Chị Nguyễn Thoan, kinh doanh mặt hàng mũ bảo hiểm trên phố Trường Chinh (quận Thanh Xuân) cũng cho hay hiện cửa hàng vẫn chỉ đang hoạt động 50% công suất và sử dụng một nhân viên sinh sống trong thành phố để duy trì.

“Cũng mong dịch bệnh ổn để kinh doanh trở lại, trong 2 tháng qua chủ nhà có giảm cho chúng tôi 40% tiền thuê nhưng mỗi tháng vẫn phải trả 15 triệu đồng. Giờ tôi gọi nhân viên lên nhưng lo rằng nếu dịch bùng phát trở lại mà vẫn phải trả lương trong khi không kinh doanh được thì lỗ lại thêm lỗ…," chị Thoan nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục