Vấn đề tập kết rác và xử lý rác thải tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lâu nay luôn gặp nhiều khó khăn, thậm chí người dân nơi đây còn bức xúc, tập trung đông người phản đối, khiếu kiện kéo dài.
Trước tình trạng trên, thành phố Hà Nội đã nỗ lực trong quy hoạch, cắm mốc giới và có các giải pháp để điều tiết rác thải, cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, thành phố đang thực hiện giảm tải, nâng cao công tác vận hành đổ rác, tiếp nhận rác của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ô chôn lấp 6.2 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, với diện tích trên 1ha, bao gồm đào, đắp đất thành ô chôn lấp; trải vải chống thấm HDPE; đắp bờ bao bằng đất.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong năm 2019-2020.
[Hà Nội: Trồng hoa sữa ở bãi rác Nam Sơn không có hiệu quả ngăn mùi]
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và quản lý chuyên ngành về phương án, giải pháp cải tạo đề xuất, tính chuẩn xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt Dự án ô chôn lấp 6.2 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; đánh giá hiện trạng cụ thể, lựa chọn quy mô, giải pháp kỹ thuật và dự kiến tổng mức đầu tư, đảm bảo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công; tổ chức quản lý, triển khai dự án phù hợp điều kiện năng lực.
Song song với việc xử lý rác thải tại các bãi tập kết, thành phố Hà Nội vận động cán bộ, công nhân viên chức bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc thành phố không sử dụng túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019.
Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330-500ml) trong công sở; khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy và các vật liệu khác thân thiện với môi trường; không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi nylon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: Nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi nylon và chất thải nhựa và một số biện pháp chủ động áp dụng để hạn chế sử dụng túi nylon; khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử...
Thành phố phấn đấu đến ngày 31/12/2020, giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa trên địa bàn thành phố; đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế chất thải nhựa; đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy.../.