'Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội

Sau hơn 2 năm triển khai chủ trương đấu thầu công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn Hà Nội, một số doanh nghiệp đã phải trả lại địa bàn vì "quá sức chịu đựng."
'Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội ảnh 1Rác thải thu gom từ các ngõ xóm chất thành bãi lớn tại điểm tập kết rác thải thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Lời tòa soạn!

Trong một lần dự lễ phát động ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và đông đảo người dân, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã được lãnh đạo một doanh nghiệp thu gom rác tiết lộ thông tin gây “sốc” rằng: “Khí thế như vậy nhưng sự thực là Hà Nội sắp ngập rác rồi nhà báo ạ. Chúng tôi (những doanh nghiệp lĩnh vực môi trường-PV) không kham nổi nữa, chắc phải ‘trả rác’ cho thành phố…”

Những chia sẻ của người đàn ông có khuôn mặt đầy sạm đen vì nắng gió và trĩu nặng tâm tư về rác không khỏi khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Hóa ra, đằng sau chuyện "làm sạch thành phố" là hàng loạt "khoảng tối" của rác, mà căn nguyên sâu sa nhất có lẽ từ chính sách đấu thầu, được những người làm môi trường gọi nôm na là "ma trận đấu thầu rác’!"

Từ chia sẻ của vị giám đốc nói trên, với một nỗi lo thực sự cận kề về nguy cơ ngập rác thải trong môi trường sống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, chúng tôi đã đi sâu vào thực tế để tìm hiểu và phát hiện ra vô vàn “điều kỳ lạ” của công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.

Những bài thầu “o ép” doanh nghiệp bởi một loạt quy đinh khó hiểu, từ việc lập hồ sơ mời thầu kê khai, đăng ký khối lượng không đúng thực tế; đăng ký, quyết toán cho nhà thầu chiều dài một số tuyến đường thấp hơn hàng trăm km thực tế; trong khi giá dịch vụ thu gom rác quá thấp, thu không đủ bù chi đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “ôm” nợ và ngấp nghé bên bờ vực phá sản.

Điều đáng nói là, những bất cập, quy định “kỳ lạ” nêu trên đều đã được doanh nghiệp kiến nghị lên lãnh đạo các cấp quận, huyện, sở ngành và thành phố nhiều lần. Thanh tra thành phố Hà Nội cũng đã có kết luận chỉ ra những bất cập và kiến nghị điều chỉnh… Nhưng, đến nay, sau hơn 2 năm nhận gói thầu, nhiều doanh nghiệp thu gom rác, nhất là doanh nghiệp tư nhân ở các huyện ngoại thành vẫn đang mỏi mòn đợi chờ thành phố điều chỉnh đúng thực tế.

Đã có một số doanh nghiệp “quá mệt mỏi,” không thể tiếp tục chịu cảnh “áp thầu” đã phải trả lại địa bàn, giảm hạng mục không có trong gói thầu để tự “cứu” mình. Trong khi đó, để tránh ngập rác, chính quyền địa phương lại phải giao trách nhiệm cho các xã tự tổ chức thu gom rác, cũng như bỏ ra một khoản lớn tiền ngân sách để đầu tư mua sắm trang thiết bị như xe đẩy để phục vụ công tác thu gom-một công việc mà vốn dĩ khiến họ “quá đau đầu.” Nhất là khi quy định của bài thầu “có vấn đề” chưa được điều chỉnh, số lượng người thu gom rác liên tục bị cắt giảm.

Không thể phủ nhận, chủ trương đấu thầu công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 đã góp phần cắt giảm các khâu trung gian, giảm chi phí ngân sách, nhất là xóa bỏ tình trạng lợi ích nhóm, mafia rác… Song khi đi vào thực tế, việc bài thầu đưa ra các quy định, tiêu chí sai thực tế, mang tính “áp đặt,” khiến các doanh nghiệp thua lỗ đến mức phải trả lại địa bàn, gây sự bức xúc cũng như gánh nặng giải quyến rác tồn đọng ùn ứ cho lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở và người dân đã phần nào cho thấy việc thực hiện chủ trương “làm sạch thành phố” đã và đang làm ngược với mục đích.

Đáng lo ngại hơn, trong số các nhà thầu đã trả lại các hạng mục không có trong gói thầu có cả các doanh nghiệp trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội). Việc doanh nghiệp Nhà nước “không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ” và phải trả lại địa bàn đã phần nào cho thấy sức ép “khủng khiếp” từ công tác thu gom rác ở các huyện ngoại thành. Đây cũng là lý do khiến số doanh nghiệp tư nhân làm công tác thu gom rác đang tiếp tục tuyên bố trả rác lại địa bàn đang ngày một gia tăng...

Thực trạng này thực sự nguy hiểm và không thể trì hoãn tháo gỡ, giải quyết, bởi nếu công tác thu gom rác thải không được triển khai hợp lý, chính sách và quy định bài thầu không được điều chỉnh, nguy cơ “Thủ đô ngập rác” như doanh nghiệp cảnh báo, nhất là trong bối cảnh mỗi khi bãi rác Nam Sơn “hắt xì,” cả Hà Nội lại “sổ mũi,” là thực tế nhãn tiền.

Để góp một cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện rác thải này, Báo Điện tử VietnamPlus xin mời quý độc giả cùng phóng viên thâm nhập vào “thế giới rác thải” ở Hà Nội, để tìm hiểu về những “điểm nghẽn” bất cập trong công tác thu gom, những gói thầu “làm ngược chủ trương” xuất phát từ “ma trận” đấu thầu rác thải tập trung…

'Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội ảnh 2Một điểm tập kết rác tạm thời trên đường Nguyễn Xiển trong những ngày đầu tháng 7/2019, khi bãi rác lớn nhất thành phố ở Sóc Sơn đang bị "thất thủ". (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Bài 1: Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi “ngập rác”

“Hơn hai năm qua, chúng tôi đóng tiền dịch vụ thu gom rác theo quy định, chủ trương làm sạch đường làng, ngõ xóm, đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố, vậy mà, hàng ngày vẫn phải mang rác đi đổ, vẫn phải ngửi mùi ô nhiễm. Dù rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay cũng không thay đổi được gì…”

Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thị Thử, 62 tuổi sống ở thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, khi đề cập tới vấn đề rác thải tại địa phương mình.

Phải tự đổ rác, người dân không trả phí

11 giờ trưa tháng 7, trời nắng như đổ lửa, bà Thử tất tả xách tải rác từ trong ngõ nhỏ, vừa đi vừa nhặt thêm những túi rác ven đường mang tới điểm thu gom rác bên cạnh nhà văn hóa thôn Trung Oai tập kết.

“Thời gian qua, gia đình tôi đóng đầy đủ số tiền 3.000 đồng/khẩu theo quy định của thành phố để chi trả cho công tác thu gom rác, nhưng hàng ngày vẫn phải mang rác đi đổ, bởi những người công nhân thu gom rác được trả tiền, ‘ăn lương’ của dân không làm. Họ bảo là quy định công việc của họ sẽ không vào thu gom ở những ngõ xóm mà lối vào nhỏ (dưới 2m-PV),” bà Thử bức xúc.

“Cũng vì người dân trả tiền dịch vụ môi trường nhưng ngày ngày vẫn phải tự đưa rác đi đến điểm tập kết cách nhà gần 1km để đổ nên gần đây, nhiều bà con đã không đóng tiền nữa. “Việc này không phải là để chống đối, mà là để đòi quyền lợi chính đáng,” bà Thử phân bua.

[Người dân Nam Sơn ‘ăn sương nằm đất’ chặn xe rác, ‘đòi’ được di dời]

Dẫn phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đi khảo sát thực tế, ông Nguyễn Đăng Truyền, Trưởng thôn Trung Oai, xã Tiên Dương khẳng định, trước năm 2017, khi chưa có chủ trương đấu thầu thu gom rác thải tập trung, công tác thu gom rác được địa phương triển khai rất hiệu quả, mỗi hộ dân đóng 4-5 nghìn đồng/tháng, nhưng tất cả hoàn toàn ủng hộ và cũng không để xảy ra ô nhiễm tồn đọng bao giờ.

Vậy nhưng, từ khi chuyển sang đấu thầu tập trung, sử dụng xe cơ giới hóa, giá dịch vụ ấn định xuống mức 3.000 đồng/nhân khẩu/tháng đối với các huyện ngoại thành, trong khi những con đường ngõ xóm bề ngang dưới 2m thì xe thu gom không vào được, nên người dân lại phải mang rác đi đổ, dẫn tới tình trạng so bì quyền lợi, gây bức xúc và không hợp tác.

'Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội ảnh 3Do lượng rác thu gom quá lớn, hai công nhân thu gom rác ở thôn Trung Oai phải huy động thêm người thân và cải tiến thêm phương tiện để thu gom rác. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, do mức giá dịch vụ thu không đủ chi, nên phía Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh đã trả lại địa bàn, chỉ làm theo diện tích km kê khai, đăng ký ban đầu. Và, việc thu gom rác trên địa bàn, lại được trả cho địa phương tự xử lý...

“Công ty, họ bảo ký nhầm gói thầu nên chỉ làm 12%, còn 88% diện tích, công việc còn lại, xã, thôn phải tự làm. Cái khó là, trước đây, thôn có 6 người thu gom rác, nhưng nay chỉ còn 2 người phụ trách tất cả việc thu gom, mà diện tích thôn tôi lại lớn nhất xã, với gần 5.000 nhân khẩu, trên tổng số 12km đường vận chuyển rác. Vì thế, việc thu gom rác vừa vất vả, lại kém hiệu quả hơn,” ông Truyền nói.

Vị trưởng thôn Trung Oai cũng cho biết, vì việc thu gom rác quá bất cập, nên có thời điểm, rác ở trên địa bàn chất cao như núi. Thậm chí, có ít nhất 2-3 lần, người dân bức xúc vì đã đóng tiền mà vẫn không có người đến thu gom, bốc mùi hôi thối, nên đã mang rác lên cổng ủy ban xã, cổng nhà trưởng thôn đổ, để phản đối...

Công nhân thu gom “bơi” trong rác với đồng lương ít ỏi

Không chỉ người dân bức xúc, mà ngay cả những người trực tiếp đi thu gom rác cũng không hài lòng với các tiêu chí “làm sạch thành phố” hiện nay. Chị Nguyễn Thị Thoan cho biết, lương thu gom rác mỗi tháng nhận được chỉ có 6 triệu đồng, trong khi lượng rác quá lớn, địa bàn thôn lại quá rộng, mà chỉ có 2 người làm. Vì thế, nhiều hôm chị phải nhờ chồng và sử dụng xe máy, tự đổ xăng kéo xe đi khắp các ngõ mới bốc hết rác. Thậm chí, có những hôm phải làm cả đêm mới xong.

“Nhà báo hình dung xem, mỗi ngày, chúng tôi đẩy 30-40 xe rác ở các ngõ làng về điểm tập kết. Nếu không sử dụng xe máy kéo, rồi nhờ ông xã đi hỗ trợ thì bao giờ mới tải hết rác. Vất vả lắm, nhưng có ai hiểu cho đâu,” chị Thoan thở dài ngao ngán.

[Dân chặn xe vào bãi Nam Sơn, rác thải tràn lan khắp Hà Nội]

Cùng chung nhọc nhằn, cô Trần Thị Lê, người thu gom rác ở thôn Trung Oai cho biết, xe thu gom rác quá ít, một mình làm không xuể nên cô vừa phải huy động thêm nhân lực của gia đình, vừa phải tự đầu tư thêm phương tiện, là xe bò lôi để đi thu gom rác. Có những hôm phải đi từ 2 giờ sáng đến 9 giờ tối mới xong.

Đang tất bật chuyển những tải rác từ trên xe bò kéo xuống điểm tập kết, người “bạn đời” của cô Lê thở dài nói vọng: “Công việc nặng nhọc, hôi thối, lương thì chỉ có một người được nhận mà hai vợ chồng cùng làm. Cực lắm.”

“Nhiều lần con gái tôi cứ bảo, thôi mẹ nghỉ đi, đừng làm nữa. Chồng tôi cũng bảo, đi thu gom rác suốt đêm ngày, thôi nghỉ quách cho xong. Nhưng nói thật là không làm thì lấy tiền đâu chữa bệnh cho con (con gái bị bệnh thiểu năng), lấy tiền đâu lo việc cho gia đình, thôi bố con hãy cứ để mẹ làm,” cô Lê ngậm ngùi nói.

'Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội ảnh 4Rác thải sinh hoạt từ các ngõ xóm chất đầy xe đẩy, công nhân thu gom phải trèo lên cao để chuyền rác xuống điểm tập kết. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Địa phương ôm “trái đắng”

Ở góc độ chính quyền cấp cơ sở, ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương thừa nhận, chính quyền xã cũng rất đau đầu, bức xúc khi phải thực hiện theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo ông Hùng, nghịch lý là từ một chủ trương đúng với mục đích làm sạch thành phố, nhưng đề bài cho việc đấu thầu thu gom rác thải tập trung lại có quá nhiều điểm bất cập, không sát thực tế dẫn đến khi triển khai “lợi bất cập hại.” Việc kê khai khối lượng, diện tích thấp hơn nhiều so với thực tế, mức giá thu tiền dịch vụ cắt giảm ở mức tối thiểu, trong khi khối lượng công việc phải làm lại quá lớn đã khiến các địa phương phải “oằn vai gánh rác.”

“Trước đây, địa phương phụ trách, thu 4-5 nghìn đồng, dân cũng hài lòng, nhưng từ khi theo bài thầu mới và thực hiện theo Quyết định số 54 (thu 3.000 đồng/nhân khẩu/tháng) thì thực tế rất bất cập. Người dân họ bỏ tiền nên họ có quyền đòi hỏi được phục vụ, nhưng doanh nghiệp họ chỉ làm đúng nội dung, số lượng trong bài thầu là 12%, số còn lại đẩy về cho địa phương tự xử lý, nên rất khó khăn,” ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương cũng bày tỏ sự lo lắng rằng “Đông Anh đang phấn đấu lên quận, mà công tác thu gom hiện nay còn thô sơ và có quá nhiều bất cập thế này thì không biết bao giờ mới có thể cán đích?”

Qua khảo sát một số quận, huyện của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cũng cho thấy, giá dịch vụ vệ sinh môi trường tại nông thôn quy định 3.000 đồng/nhân khẩu chưa đủ cân đối kinh phí chi trả công tác duy trì vệ sinh môi trường, chưa công bằng giữa hộ ở ngõ trên 2m (đơn vị cung ứng thu gom trực tiếp) với hộ ngõ dưới 2m (hộ phải tự thu gom).

Thực tế trên cũng đã được Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân các huyện nhận định: Mức thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường ở các quận 6.000 đồng nhưng ở huyện chỉ 3.000 đồng/nhân khẩu, trong khi địa bàn huyện rộng, ngõ xóm dân cư cách xa nhau khiến công tác thu gom vất vả nên mức giá chênh lệch như vậy là không hợp lý../.

'Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội ảnh 5Từ khi nhà thầu trả lại địa bàn, chính quyền cấp xã lại phải "đau đầu" rác thải sinh hoạt ngõ xóm. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục