Đóng góp 12,6% GDP, 8-10% kim ngạch xuất khẩu, 25-26% vốn đầu tư phát triển, 20,6% thu ngân sách cả nước, kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tầu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
Với vị trí là đầu tàu, trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững.
Hà Nội cũng sẽ phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, văn minh và hiện đại. Phấn đấu để trở thành địa phương đi đầu và về đích sớm 1 đến 2 năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
- Hà Nội đã trải qua chặng đường dài 60 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch có thể đánh giá khái quát những thành tựu kinh tế nổi bật mà Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Trong những năm qua, Hà Nội luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tế của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết, chính sách của thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.
Kinh tế Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông - lâm - thủy sản phát triển toàn diện. Trong giai đoạn 2011-2014, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội (GRDP) ước tăng 9,17% (theo giá so sánh năm 2010) - đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn. Đặc biệt, kinh tế của Thủ đô luôn giữ mức tăng gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng chung của cả nước.
Thu ngân sách 4 năm 2011-2014 ước đạt 557.000 tỷ đồng, đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách và chi đầu tư phát triển. Huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng, tuy nhiên, tốc độ tăng chậm dần, trung bình giai đoạn 2011-2014 ước đạt 16,36%/năm. Trong đó, đã có sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư đúng hướng: tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước giảm dần và từ khu vực tư nhân tăng dần.
Năm 2005, tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước là 48,5%, khu vực tư nhân là 36,3% thì năm 2011, tỷ lệ này là 28,3% và 53,6%; năm 2013 là 27,6% và 61,6%. thành phố thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 5,1 tỷ USD (trung bình mỗi năm thu hút 1,275 tỷ USD).
Đến nay, toàn thành phố thu hút được 2.806 dự án với tổng số vốn đăng ký còn hiệu lực đạt 21,1 tỷ USD với sự tham gia đầu tư của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong lĩnh vực xuất khẩu giai đoạn 2011-2014, dự kiến cũng đạt 8,17%/năm.
Với dân số chiếm 7,84%, thành phố Hà Nội đã đóng góp 12,6% GDP, 8-10% kim ngạch xuất khẩu, 25-26% vốn đầu tư phát triển, 20,6% thu ngân sách. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
- Những thành tựu trong phát triển kinh tế là hết sức rõ ràng, còn trong lĩnh vực an sinh xã hội, ông có đánh giá gì?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thành phố đặc biệt chú trọng việc đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Thành phố tích cực thực hiện các chương trình liên quan đến vấn đề an sinh xã hội như Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm; Kế hoạch “Dạy nghề cho lao động nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020”; Đề án phát triển thị trường lao động đến năm 2020; Chương trình giải quyết việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015...
Trung bình mỗi năm Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 137.000 lượt lao động. Chính vì vậy, mặc dù sản xuất kinh doanh khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp năm 2013 vẫn được duy trì dưới 4,8%.
Bên cạnh đó, Hà Nội luôn chú trọng đến đời sống người dân. Mạng lưới khám chữa bệnh trong thành phố được sắp xếp khoa học nhằm đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. 100% các trạm y tế xã, phường đã có bác sỹ. Việc phòng chống dịch bệnh được quan tâm và làm có hiệu quả.
Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai tích cực Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Trung bình hàng năm, thành phố hỗ trợ khoảng 16.500-20.000 hộ thoát nghèo, đồng thời, thường xuyên nâng chuẩn nghèo và các mức hỗ trợ. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,0-1,8%, đến cuối năm 2013 còn 2,55% với 59.365 hộ. Chuẩn nghèo và một số mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội được nâng lên và cao hơn mức chung toàn quốc.
- Một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển của Hà Nội nhất là từ khi Hà Nội mở rộng năm 2008, đó là các vấn đề quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị... Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Trong thời gian qua, nhất là khi Hà Nội mở rộng, công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch luôn được chú trọng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư xây dựng; quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường; bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới.
Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được ưu tiên giành nguồn lực và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Hà Nội đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang.
Các cửa ngõ ra vào thành phố được mở rộng; nhiều tuyến đường mới như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân đã mang dáng dấp của tuyến phố hiện đại. Nhiều con đường mới được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Giao thông công cộng đặc biệt là xe buýt phát triển nhanh.
Tiếp theo thành quả đó, thành phố đang tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội , trung tâm thương mại, siêu thị lớn, văn phòng cao cấp, khách sạn hiện đại,... góp phần đáp ứng nhu cầu của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thành phố quan tâm đầu tư hệ thống cấp, thoát nước, các công trình cấp nước được đầu tư mở rộng, từng bước xây dựng hệ thống mạng cấp nước trong các khu đô thị và vùng ven nội đô. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải được tăng cường, hiện thành phố đã hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 1, đang triển khai thực hiện giai đoạn 2; hệ thống xử lý nước thải Yên Sở, hồ Tây được tập trung đầu tư. thành phố cũng triển khai tích cực các khu xử lý rác chất thải rắn như Nam Sơn, Bắc Sơn, Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng…
Đặc biệt, thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hà Nội đã tăng cường ngân sách đầu tư cho các huyện ngoại thành, và thực hiện đầu tư theo hướng chuẩn hóa kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế.
Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4; 100% số xã có đường ô tô đến trụ sở xã; công trình nhà văn hoá, sân vận động thể thao ở nhiều nơi được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Hai năm 2012-2013, thành phố đã tổ chức lắp đặt 10.000 thiết bị xử lý nước cho 10.000 hộ dân diện chính sách và hộ nghèo khu vực nông thôn; phê duyệt 6 dự án cấp nước sạch liên xã tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Mỹ Đức.
- Hà Nội đang thực hiện nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, ông có thể đánh giá tiến trình thực hiện các công trình này, nhất là các công trình kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô? Giải pháp để các công trình hoàn thành đúng tiến độ và hiệu quả?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư triển khai thực hiện các công trình trọng điểm. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức giao ban kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cân đối vốn và các cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho các dự án triển khai. Bên cạnh đó, các quy định, văn bản tháo gỡ khó khăn, cơ chế vốn linh hoạt đã được thành phố kịp thời ban hành, áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trọng điểm triển khai.
Trong 37 công trình, cụm công trình trọng điểm với 55 dự án thành phần, có 20 dự án lĩnh vực giao thông đô thị, 9 dự án thoát nước và 6 dự án cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tính đến nay, đã hoàn thành 7 dự án, 5 dự án cầu vượt (tại các nút giao Nam Hồng trên tuyến đường Mai Dịch-Nội Bài, nút giao đường Nguyễn Chí Thanh và đường Láng, nút giao Lê Văn Lương-đường Láng, nút giao Láng Hạ-Thái Hà, nút giao Chùa Bộc-Thái Hà); cơ bản hoàn thành đường vành đai 1 (Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu), dự án Đường vào phía Đông Khu tưởng niệm Chu Văn An.
Đang tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm khác như giải phóng mặt bằng đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái); giải phóng mặt bằng 2 tuyến vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng; Vĩnh Tuy-Chợ Mơ-Ngã Tư Vọng); Xây dựng và cải tạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Đường 5 kéo dài (Cầu Chui-Đông Trù-Phương Trạch-Bắc Thăng Long); Mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (giai đoạn 2); Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Hòa Lạc...
Dự kiến đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành 22 công trình trọng điểm, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Ngoài ra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng đã tập trung chỉ đạo và xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa như trường học, bệnh viện,... là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô.
- Những thành tựu đã đạt được rất đáng khích lệ nhưng có lẽ cũng là áp lực để phấn đấu trong thời gian tới. Ông có thể cho biết phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Thế Thảo: Với vị trí là đầu tàu, trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững.
Hà Nội cũng sẽ phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, văn minh và hiện đại, phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu và về đích sớm 1 đến 2 năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 7,0-7,5%/năm (theo tiêu chí mới); tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ còn khoảng 1,5%/năm.
Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong phát triển, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình về phát triển hệ thống hạ tầng, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ… theo Luật Thủ đô.
- Xin cảm ơn ông!