Hà Nội sẵn sàng nguồn cung, bình ổn thị trường Tết

Theo Sở Công Thương Hà Nội, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết Giáp Ngọ đã được chuẩn bị sẵn sàng nhằm ổn định thị trường và kiểm soát giá cả.

Dù hơn hai tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ 2014, nhưng công tác chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng nhằm ổn định thị trường và kiểm soát giá cả.

Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội trong buổi làm việc giữa Ủy ban thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng Tết, được tổ chức sáng 28/11, tại Hà Nội.

Nhu cầu hàng hóa tăng cao

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên Đán Giáp Ngọ, dự báo nhu cầu một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng nhích lên từ 15-18% so với các tháng bình thường trong năm.

Ước tính gạo khoảng 55.000 tấn/tháng; thịt lợn hơi khoảng 8.500 tấn/tháng; thịt gà khoảng 4.250 tấn/tháng; trứng gà, vịt khoảng 75 triệu quả/tháng; thủy hải sản tươi và đông lạnh khoảng 3.400 tấn/tháng; dầu ăn khoảng 4,2 triệu lít/tháng; rau củ tươi khoảng 65.000 tấn/tháng.

Trong đó, lượng hàng hóa Hà Nội tự cung cấp được là gạo khoảng 20.000 tấn/tháng; thịt lợn hơi có thể cung cấp đủ; thịt gà khoảng 2.125 tấn/tháng; trứng gà vịt khoảng 30 triệu quả/tháng; thủy hải sản tươi, đông lạnh khoảng 510 tấn/tháng; rau củ tươi khoảng 35.750 tấn/tháng.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, mặc dù lượng cung cấp tại chỗ thiếu hụt, nhưng số còn lại thành phố Hà Nội đã chủ động liên kết với các địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương... để đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết.

Theo tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết người dân sẽ tiêu thụ khoảng 1.500 tấn bánh mứt kẹo các loại, khoảng 100 triệu lít rượu, bia, nước giải khát. Nhu cầu sử dụng xăng, dầu trong tháng Tết Giáp Ngọ tăng khoảng 20% so với năm trước, dự kiến khoảng 60 triệu lít.

Cùng với sức mua tăng, giá cả cũng nhích lên theo quy luật cung-cầu. Khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, giá bán thịt lợn và gia cầm tăng khoảng 5-10% nguyên nhân do vào thời điểm giáp Tết, việc kiểm tra chất lượng gia súc gia cầm từ các nơi về Hà Nội được thắt chặt, các hộ chăn nuôi giữ lợn đến sát Tết để bán cho được giá nên nguồn cung ít đi.

Bên cạnh đó, nhu cầu mặt hàng rau củ quả cũng biến động mạnh do tình hình mưa bão liên tiếp và xảy ra trên diện rộng cũng đẩy giá mặt hàng này tăng từ 15-25% so với giữa năm 2013.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm nay tình hình kinh tế của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực và có dấu hiệu ấm dần lên. Do vậy việc chuẩn bị lượng hàng hóa cho dịp cuối năm và tết Giáp Ngọ cũng không thể chủ quan, xem nhẹ.

"Cần chủ động nguồn cung ứng để đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa thiết yếu, tránh để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng trục lợi," Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nói.

Mở 610 điểm bán hàng bình ổn giá

Trước thực tế trên, để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các ngành và địa phương, tập trung triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa cũng như bán hàng bình ổn giá.

Bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết, chương trình bình ổn giá của thành phố sẽ tập trung dự trữ và bán ra 7 nhóm hàng thiết yếu gồm: Gạo tẻ 5.500 tấn; thịt lợn 900 tấn; thịt gà 450 tấn; trứng gia cầm 6 triệu quả; thủy, hải sản đông lạnh 300 tấn; dầu ăn 1.500 lít; rau củ 2.000 tấn, với tổng tiền hàng bình ổn là 318 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu, bằng nguồn vốn tự có của mình, các doanh nghiệp chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được thành phố cho tạm ứng vốn, triển khai bán tại các điểm bình ổn giá.

Trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Hà Nội sẽ tập trung bán hàng thiết yếu tại 610 điểm bán bình ổn giá cố định, khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu mua sắm của nông dân và công nhân, thành phố sẽ tổ chức 250 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá cùng các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng công ty Thương mại Hà Nội dự kiến tổ chức 5 phiên chợ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, để chủ động trong việc cung cấp hàng hóa, tránh tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và giáp Tết, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hệ thống siêu thị...chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ tết tăng khoảng 10-20% so với tết Quý Tỵ 2013 và tăng gấp 2 lần so với các tháng thường trước đó (trong đó hàng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 90%).

Hà Nội sẵn sàng nguồn cung, bình ổn thị trường Tết ảnh 1Người dân đi mua sắm hàng tết tại siêu thị (Ảnh: TTXVN)

Đại diện cho các doanh nghiệp thực hiện việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, hiện Tổng công ty đã dự trữ 18 mặt hàng thiết yếu, trong đó có 10 mặt hàng bình ổn giá.

Đặc biệt với mặt hàng rau xanh, Tổng công ty Thương mại Hà Nội cam kết không tăng giá rau từ nay đến Tết, dù giá rau có tăng cao. Ngoài ra Tổng công ty sẽ bán hàng tết tại 200 điểm trên địa bàn thành phố, trong đó có 51 điểm bán hàng bình ổn giá.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, công tác chuẩn bị hàng hóa năm nay của Hà Nội có nhiều điểm mới, từ 10 nhóm hàng, 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường với 318 tỷ đồng “bơm” ra từ Thành phố thì bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động dự trữ hơn 6.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết.

Các điểm bán hàng Tết được tăng cường hơn ở nội thành, các huyện ngoại thành, khu công nghiệp và các vùng sâu, vùng xa của Thành phố kết hợp và lồng ghép với chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Thứ trưởng cũng lưu ý Hà Nội về nguồn cung hàng hóa, đặc biệt về thực phẩm và rau xanh không thiếu nhưng lưu ý vấn đề bảo quản, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hà Nội cần tăng cường công tác xã hội hóa, phấn đấu trong thời gian tới giảm dần vốn vay từ Quỹ bình ổn; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục