Hà Nội sẽ khai thác thế mạnh của Hồ Tây để phát triển du lịch

Ngành du lịch Hà Nội tập trung khai thác mặt nước và không quan cảnh quan xung quanh hồ Tây, đồng thời đầu tư nâng cấp dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm.
Hà Nội sẽ khai thác thế mạnh của Hồ Tây để phát triển du lịch ảnh 1Chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo Sở Du lịch Hà Nội, bắt đầu từ thời điểm này, ngành du lịch Hà Nội tập trung khai thác mặt nước và không quan cảnh quan xung quanh Hồ Tây, đồng thời đầu tư nâng cấp dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm nhằm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến.

Đối với Hồ Tây, một danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của đất Thăng Long-Hà Nội mà hiếm thấy đô thị nào trên thế giới có được, ngành du lịch Thủ đô sẽ cố gắng tạo nên một không gian văn hóa du lịch Hồ Tây.

Hà Nội sẽ khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa… kết hợp tham quan các điểm du lịch tâm linh bên hồ như Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên... Đây là các di tích lịch sử cổ kính, linh thiêng đang thu hút đông du khách đến tham quan, chiêm bái.

​Nhiều làng nghề truyền thống xung quanh Hồ Tây được lưu truyền trong sử sách, gồm làng trồng hoa cây cảnh, trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Nghi Tàm, Yên Phụ, trồng sen và ướp trà sen Quảng An... cũng được kết nối với các điểm du lịch chính tại Hồ Tây.

Hiện tại, du lịch Hồ Tây mới chỉ dừng ở việc tổ chức xe điện thưởng ngoạn cảnh quan ven Hồ Tây và tham quan một số điểm di tích ven hồ. Các dịch vụ trên mặt nước còn phát triển manh mún, chưa có chiều sâu. Nhìn chung, tiềm năng du lịch Hồ Tây rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Tại khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Sở Du lịch Hà Nội đang tính đến việc xây dựng sản phẩm du lịch mới. Cụ thể, Hà Nội sẽ phát triển chuỗi cửa hàng dành cho khách du lịch. Các điểm này sẽ được chỉnh trang, khuyến khích kinh doanh sản phẩm mang tính truyền thống của Việt Nam và được ngành du lịch cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Cùng với đó, ngành du lịch mở rộng những không gian cộng đồng để du khách tham gia các hoạt động với người dân, không chỉ tạo ra điểm nhấn du lịch mà còn kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại phố cổ Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục