Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư. Nhiều khu chung cư người dân phản ứng gay gắt với chủ đầu tư, căng băngrôn tại các nhà chung cư, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.
Để tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm từng bước khắc phục tình trạng tranh chấp, có dấu hiệu không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở.
Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở; trong đó tăng cường thanh tra quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi lực lượng thanh tra phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban Quản trị nhà chung cư triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; hàng quý báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo thành phố.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của Ban Quản trị nhà chung cư phải khẩn trương kiểm tra và ban hành quyết định công nhận hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà chung cư kiểm tra hồ sơ và ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị nhà chung cư.
Cũng theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mới đây, thành phố đã quyết định ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng trong việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy) để bàn giao cho Ban Quản trị.
Theo chỉ đạo, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng là ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban Quản trị nhà chung cư, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời tổ chức việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chung cư Hoà Bình Green theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì này, báo cáo thành phố kết quả thực hiện.
Trước đó, ngày 27/3/2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình - chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị với số tiền 125 triệu đồng.
[Bộ Công Thương lưu ý về phí quản lý vận hành nhà chung cư]
Chung cư Hòa Bình Green City bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng, xây dựng trên diện tích đất 1,7ha. Mặc dù được quảng cáo là chung cư cao cấp chất lượng 6 sao, dịch vụ hoàn hảo, song, từ khi nhận bàn giao nhà, cư dân tại chung cư này đã nhiều lần xuống đường căng băngrôn đòi quyền lợi yêu cầu chủ đầu tư trả "sổ hồng" cho cư dân, bàn giao quỹ bảo trì, nhà sinh hoạt cộng đồng, hồ sơ dự án…
Theo Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, vướng mắc chưa cấp được "sổ hồng" cho khoảng 900 căn hộ còn lại của dự án này là do chủ đầu tư chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo quy định, tòa B chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ủy ban Nhân dân quận đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận, thẩm định hồ sơ pháp lý và xem xét giải quyết việc cấp "sổ hồng" cho cư dân.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 928 nhà chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng; trong đó có 132 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 (có hiệu lực ngày 1/7/2006) và 796 nhà chung cư hoàn thành, đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006.
Trong số 132 chung cư đưa vào sử dụng trước ngày 1/7/2006, có 93/132 chung cư đã thành lập Ban Quản trị. Còn 39 nhà chung cư chưa thành lập Ban Quản trị do chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở 2005, không có kinh phí bảo trì nên cư dân không muốn thành lập.
Đối với 796 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006, đã có 567/796 nhà chung cư đã thành lập Ban Quản trị. Tuy nhiên, chỉ có 414 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban Quản trị, còn khoảng 150 chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị.
Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra hơn 80 nhà chung cư, qua đó xử phạt hành chính 13 trường hợp với số tiền hơn 900 triệu đồng, đồng thời báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố có văn bản yêu cầu 25 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị và quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với 5 chủ đầu tư./.