Chặng đường hơn 10 thành phố Hà Nội thực hiện "Chương trình nông thôn mới" có thể nói đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét, với nhiều dấu ấn, cách làm đa dạng, sáng tạo, với biết bao câu chuyện làm nông buồn-vui gắn bó "sát sườn" với đời sống của đại đa số người dân.
Thành phố Hà Nội với diện tích tự nhiên rộng lớn, có nhiều xã nông thôn, đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, cũng như rất nhiều làng nghề và loại hình sản xuất.
Hà Nội là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, nên đã có nhiều thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh lớn, giúp đời sống người dân được nâng cao hơn so với các tỉnh thành phố trong cả nước.
Thực hiện Chương trình số 4 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân" giai đoạn 2010-2020, thành phố đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.
Trong khoảng 10 năm từ 2010-2020, thành phố Hà Nội có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,9%) là tiền đề để tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho vùng nông thôn, dẫn tới số các xã, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 83,3% so với kế hoạch chương trình), gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.
Đối với 3 huyện còn lại gồm Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét, thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Như vậy, dự kiến trong năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025, với 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về huyện nông thôn mới nâng cao, qua kết quả thẩm định có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở đủ điều kiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Bên cạnh đó, có 2 huyện Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2025, sẽ vượt chỉ tiêu Chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là có 5 huyện nông thôn mới nâng cao.
Còn đối với xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiếu mẫu, đến hết năm 2021, thành phố có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Xã nông thôn mới nâng cao, đến nay có tổng số 111 xã (đạt 71%). Đến nay, thành phố có tổng số 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 25% so với mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 80 xã nông thôn mới kiểu mẫu).
[Hà Nội phấn đấu năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới]
Thời gian qua, phong trào nông thôn mới đã thực sự lan tỏa sâu rộng tới từng người dân, từng thôn xóm, trở thành chương trình thiết thực trong đời sống nhân dân.
Nhiều địa phương đã có các mô hình, cách làm thiết thực đem lại hiệu quả như huyện Đan Phượng, huyện Ba Vì, hàng năm tổ chức cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn," được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Thực hiện nông thôn mới, thành phố Hà Nội cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đến nay đạt 228.568ha, giảm 2,84% so với năm 2020.
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi liên tục tăng, đến nay giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 19.969,6 tỷ đồng, tăng 1.820 tỷ đồng so năm 2020.
Cơ cấu ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2025 có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm và trâu bò.
Thành phố phát triển chuỗi liên kết sản phẩm, đến nay, trên địa bàn thành phố có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển; trong đó, có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt.
Một số mô hình liên kết chuỗi điển hình như chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Ket; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm sạch Organic Green; chuỗi rau của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân và chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn.
Thành phố tăng cường huy động vốn để giúp người dân sản xuất. chỉ tính riêng 2 năm (2021-2022) thành phố huy động nguồn lực 46.778 tỷ đồng cho người dân sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh sự thành công của chương trình lớn này thì còn nhiều khó khăn, thử thách cần vượt qua.
Đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ (2021-2025) thực hiện nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội nêu ra nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục như còn 10 chỉ tiêu chưa hoàn thành so với Kế hoạch, cần tập trung phấn đấu để hoàn thành kế hoạch đến năm 2025.
Việc đầu tư hạ tầng sản xuất chưa được quan tâm, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, thu gom rác thải, nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn.
Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò, vị trí; chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; số lượng hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobGap; liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ còn hạn chế.
Việc xử lý nước thải, chất thải chưa triệt để còn hiện tượng thải ra môi trường bên ngoài nhất là số trang trại chăn nuôi ở gần khu dân cư. vẫn còn nhiều hợp tác xã yếu kém hoặc trung bình, tỷ lệ hợp tác xã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động là tương đối lớn.
Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết chặng đường qua, Hà Nội đã tập trung rất cao độ, nhất là đầu tư nguồn lực cho vùng nông thôn, đẩy nhanh rút ngắn khoảng cách đời sống cho nhân dân nông thôn và thành thị.
Thành phố cũng đã có được nhiều bài học kinh nghiệm để trong các nhiệm kỳ tới tập trung trọng tâm, trọng điểm hơn cho một số lĩnh vực, ngành và địa phương.
Thành ủy Hà Nội đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp lớn phát triển nông thôn mới đến năm 2025; trong đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.
Quán triệt chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng;" đồng thời, đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh " và phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới;" tăng cường công tác kiêm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững và phát huy các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới…/.