Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND về kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc thực hiện Kế hoạch này nhằm mục đích kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn thành phố.
Thông qua công tác kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, có hiệu quả; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, trọng tâm là việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Nội dung kiểm tra bao gồm, việc tuân thủ quy định thủ tục hành chính đã được công bố, niêm yết công khai trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; tổng số hồ sơ đã tiếp nhận; tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn; tổng số hồ sơ giải quyết trễ hạn-nguyên nhân chủ quan, khách quan, lưu ý đối với các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính có phản ánh kiến nghị.
Doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian để thực hiện thủ tục đất đai?
Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung, tăng cường kiểm tra Bộ phận Một cửa và giải quyết thủ tục hành chính ở cấp xã đối với các thủ tục hành chính chứng thực; cấp phép xây dựng (đối với các trường hợp phải xin phép xây dựng); cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu) tại các quận, huyện (các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên thông lĩnh vực đất đai giữa Ủy ban Nhân dân cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện; Ủy ban Nhân dân quận, huyện); các thủ tục hành chính được ủy quyền theo thẩm quyền giải quyết…
Thành lập đoàn kiểm tra, gồm đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị: Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố (Trưởng đoàn); Sở Tư pháp; Sở Nội vụ; Thanh tra thành phố (Phòng chuyên môn về phòng, chống tham nhũng) và một số Sở, ngành có thủ tục hành chính liên quan; lãnh đạo, chuyên viên Phòng kiểm soát thủ tục hành chính…
“Trưởng Đoàn kiểm tra thông báo lịch kiểm tra cụ thể tới đơn vị. Đoàn kiểm tra có thể thực hiện việc kiểm tra đột xuất tại một số cơ quan, đơn vị khác có phản ánh, kiến nghị trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức hoặc qua thông tin báo chí... Thực hiện phúc tra đối với các đơn vị đã có kết luận kiểm tra nhưng tiếp tục có phản ánh, kiến nghị hoặc có dấu hiệu không khắc phục thiếu sót, hạn chế đã được xác định rõ trong kết luận kiểm tra,” Kế hoạch nêu rõ./.