Trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội phải lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định như thế tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, được tổ chức ngày 12/5.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ rõ, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung các nguồn lực ngân sách của thành phố, huyện và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới; trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho nông thôn, nhất là các lĩnh vực môi trường, xử lý rác, nước thải, cung cấp nước sạch..., đồng thời tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục duy trì, nâng cấp các chỉ tiêu nông thôn mới, làm sao để mục tiêu phải bền vững, đi vào lòng dân chứ không chỉ là phong trào thi đua, đồng thời, cũng cần chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần.
Cùng với đó, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của địa phương. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn.
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận tập trung đóng góp những ý kiến phát huy những ưu điểm, nhân rộng những mô hình, phương pháp triển khai hiệu quả; đồng thời chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, bất cập trong triển khai Chương trình.
Đó là bài toán lớn trong sản xuất nông nghiệp vẫn mang năng tính truyền thông, thu nhập thấp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm.
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi vẫn còn hạn chế, số xã hoàn thành nông thôn mới ở các huyện chưa đồng đều. Đời sống và thu nhập của một số bộ phận nông dân vùng xã, thuần nông, vùng đồng bào dân tốc còn thấp, không ổn định, kinh tế khó khăn.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã được những kết quả nổi bật, rõ nét. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn hoàn thành việc lập quy hoạch nông thôn mới, 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 52,07%). Bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí.
Huyện Đan Phượng được công nhận huyện nông thôn mới, 3 huyện (Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức) đang trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện nông thôn mới. hành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về nâng cao đời sống nông dân; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng/người/năm lên 33 triệu đồng/người/năm, vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trên cơ sở kết quả đạt được, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Nhân dịp này, Hà Nội đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 20 tập thể, cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; cùng 25 tập thể được nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố; 338 tập thể, cá nhân, gia đình được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố./.