Từ 1/6/2009 đến ngày 1/6/2020, các đơn vị thanh tra trên toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai 3.136 cuộc thanh tra, kết luận 3.078 cuộc.
Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm trên 3.597 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.380 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 2.000 ha đất, xử lý hành chính 523 tập thể và 579 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính trên 375 tỷ đồng...
Đây là kết quả nổi bật được đưa ra tại Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô, do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sáng 16/4.
Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong những năm qua, thành phố đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; ban hành đồng bộ hệ thống văn bản chỉ đạo, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng…
[PCI 2020: Vẫn còn dư địa để cải cách chất lượng điều hành cấp tỉnh]
Đặc biệt, Hà Nội đã tập trung thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp về phòng, chống tham nhũng, gồm: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch…
Đáng chú ý, theo báo cáo của các đơn vị, từ năm 2009 đến tháng 6 năm 2020, qua công tác tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý tham nhũng trường hợp nào.
Cũng theo báo cáo, từ 1/6/2009 đến ngày 1/6/2020, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 237.109 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 230.960 đơn các loại (khiếu nại 45.988 đơn, tố cáo 23.300 đơn, kiến nghị, phản ảnh 161.672 đơn); thụ lý và giải quyết 18.160/18.319 vụ khiếu nại và 6.612/6.647 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 22,5 tỷ đồng và 17,5 ha đất; kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 43,8 tỷ đồng và 3,7 ha đất; kiến nghị điều chỉnh 109 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; bán bổ sung 8 nhà tái định cư, thu hồi và điều chỉnh 31 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý về hành chính 229 tập thể và 389 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 30 vụ
Tòa án nhân dân Thành phố đã xét xử sơ thẩm 352 vụ/1059 bị cáo; giải quyết 342 vụ/1023 bị cáo; đang giải quyết 10 vụ 36 bị cáo.
Số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã xét xử là trên 15.687 tỷ đồng, 52.221 mét đất, 1.774m2 đất phi nông nghiệp... số tiền tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng.
Tuy vậy, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng dự báo tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính, thuế... với tính chất ngày càng phức tạp; thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực ngày càng rộng.
Đặc biệt, vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, thực hiện chế độ chính sách người có công đã gây bức xúc dư luận. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực…
Xây dựng đội ngũ cán bộ có kỷ cương, liêm chính
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông khẳng định, về cơ bản, Hà Nội đã đạt được mục đích để ra tại Kế hoạch số 15/2010 về thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Theo đó, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến quan trọng: kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng trên địa bàn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các nguy cơ, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan nhà nước của Hà Nội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Cũng theo ông Đông, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; trong đó ông nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng có lúc chưa quyết liệt; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao…
Vì vậy, để khắc phục các tồn tại trên, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các đơn vị quán triệt mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng với mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.”
Ông nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin-cho", tập trung trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng-ngân hàng, quản lý tài chính, mua sắm tài sản công; tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước...
Lãnh đạo thành phố đề nghị phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, nhân dân; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng chống tham nhũng, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình và có biện pháp bảo vệ người tố cáo để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia…/.