Do có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nên Hà Nội vẫn là địa phương tiếp tục hấp dẫn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cục Thống kê Hà Nội cho biết trong tháng 5/2024 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Hà Nội có 19 dự án được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 17,3 triệu USD; có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 70,7 triệu USD; có 19 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 10,6 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút được 1,12 tỷ USD vốn FDI; trong đó, đăng ký cấp mới 92 dự án với số vốn đạt 1,025 tỷ USD; 64 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 36,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 86 lượt, đạt 57,9 triệu USD.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Thủ đô đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, đi đầu cả nước thực hiện mô hình phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Hàng trăm thủ tục được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện. Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hạn chế nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong quá trình đầu tư. Vì vậy, đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới.
Thành phố cũng rất quan tâm tới việc lắng nghe chia sẻ, đề nghị của các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiều lần tổ chức gặp mặt, đối thoại tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực như thủ tục, chính sách đất đai, thuế…
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn, các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn Hà Nội cũng đang từng bước mạnh dạn hơn trong tham gia vào thị trường kinh doanh thời điểm này.
Riêng trong tháng 5/2024, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 3.248 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 28,2 nghìn tỷ đồng, giảm 28,9%; 945 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 74,7%; 2.064 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 98,6%; 348 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 12.900 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 124.300 tỷ đồng, giảm 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 3,5% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 5.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 18,5%; gần 16.200 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29,4%; có 1.700 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,8%.
Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn./.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Vốn FDI thực hiện cao nhất trong những năm qua
Điểm nhấn nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 5 tháng tăng 4,03% cùng đó tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định.