Hà Nội thúc đẩy liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa

Trong năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện một số nội dung như: tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Hà Nội thúc đẩy liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa ảnh 1 (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 264/KH-UBND về tổ chức liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương năm 2022.

Kế hoạch này được triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về những giải pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, thành phố sẽ thực hiện một số nội dung như: tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước; tổ chức các buổi làm việc, hoạt động giao thương kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm ngành công thương các tỉnh, thành phố và một số nội dung hỗ trợ, liên khác.

Về việc tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, trong năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm do các tỉnh, thành phố tổ chức trong các mùa vụ trái cây, nông sản. Hoặc tổ chức từ 3-5 đoàn cán bộ và doanh nghiệp của thành phố Hà Nội thực hiện các nội dung liên kết, giao thương tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước…

Điều này nhằm kết nối, khai thác, tiêu thụ nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, hàng hóa lợi thế của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Các tỉnh, thành phố dự kiến phối hợp thực hiện là Bắc Giang, Hưng Yên, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Yên Bái, Hà Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp...

Các buổi làm việc, hoạt động giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố tại Hà Nội sẽ được tổ chức từ 2-3 buổi. Hoạt động giao thương, giới thiệu sản phẩm có quy mô nhỏ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến theo tình hình thực tế nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các kênh phân phối Hà Nội, hỗ trợ các tỉnh, thành phổ tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ, sản phẩm OCOP.

Các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tổ chức tại các quận nội thành Hà Nội sẽ được thực hiện từ 3-5 tuần, dự kiến trong các tháng 5, 6, 8/2022, mỗi tuần hàng có quy mô 45 gian hàng tiêu chuẩn. Từ đó, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ của Hà Nội và các địa phương có khó khăn trong việc tiêu thụ, xuất khẩu, dư cung sản phẩm, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô.

[Trong 9 tháng, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng 'sau cánh cửa hẹp']

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức 2-3 đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm ngành công thương các tỉnh, thành phố với khu hàng quy mô từ 54- 90 m2 vào các thời điểm thích hợp. Mỗi đoàn doanh nghiệp Hà Nội hỗ trợ từ 6 - 10 đơn vị tham gia nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa các lĩnh vực thành phố Hà Nội, tăng cường hoạt động giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15-20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội khi dịch bệnh được kiểm soát, việc tổ chức do các địa phương chủ trì thực hiện như: Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Tháp....

Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu kết nối sản phẩm vào các kênh phân phối; hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng dịch COVID- 19...; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp phân phối, chế biến, thương lái, sàn thương mại điện tử, tổ chức đoàn thể (thanh niên, phụ nữ)... để hỗ trợ tiêu thụ, đưa vào bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm.

Đồng thời, giới thiệu các địa điểm thuận lợi tại các quận, huyện, thị xã, các kênh phân phối... để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa vụ trái cây, nông sản..., triển khai thực hiện trong thời điểm thích hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.