Hà Nội thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH

Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5- 8%; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tăng cường niềm tin của người dân đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố.
Hà Nội thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH ảnh 1Quang cảnh hội nghị giao ban trực tuyến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 15/1, Thường trực Thành ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cũng như công tác phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị. Hội nghị tập trung thảo luận về Dự thảo chương trình hành động “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021”; Báo cáo công tác triển khai Kế hoạch phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết để chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021” cùng Nghị quyết số 02/NQ-CP về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.”

Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 3/12/2020, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 cùng Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2021.

[Khắc phục khó khăn, giáo dục Thủ đô khẳng định vị thế đầu tàu]

Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và thành phố nêu trên, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động với các giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây cũng là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đặc biệt là cả nước đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sự kiện quan trọng mà Hà Nội vinh dự là nơi tổ chức.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành tập trung góp ý về thể chế, chính sách; hiến kế để thành phố tạo ra bước đột phá ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Năm 2021, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5- 8%; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tăng cường niềm tin của người dân đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết Ủy ban nhân dân thành phố đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2021. Trong đó, bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tập trung xử lý vấn đề về quy hoạch; giải quyết căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc; kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế.

Hà Nội sẽ tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục cải cách hành chính; duy trì tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đáng chú ý, thành phố đề ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021, trong đó kịch bản 1 được coi là kịch bản cơ sở, tăng 7,5%; kịch bản 2 tăng 8%; kịch bản 3 tăng 7%. Chương trình hành động cũng xác định 236 nhiệm vụ giao 37 đầu mối sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã gắn với phân công cơ quan chủ trì, phối hợp, tiến độ thời gian hoàn thành cụ thể.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận, huyện đã đưa ra kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy đề nghị thành phố sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu về đất đai; hoàn thành tuyến đường vành đai 2,5; phê duyệt kinh phí để hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường Hoàng Quốc Việt. Hội đồng nhân dân thành phố quan tâm bố trí vốn để xây dựng trường học ở khu đất A11 (quận Cầu Giấy); phân cấp cho quản lý công viên Cầu Giấy và công viên Nghĩa Đô.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng kiến nghị thành phố tổ chức thêm các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố; sớm quan tâm quy hoạch và đầu tư Công viên Tuổi trẻ Thủ đô; đề xuất nghiên cứu lại định hướng xây dựng Trung tâm văn hóa ở phía Tây Bắc công viên Tuổi trẻ Thủ đô.../.

Hà Nội thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH ảnh 2Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục