Hà Nội tích cực cải thiện môi trường đầu tư và chào đón doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội sẵn sàng cùng Liên minh châu Âu trao đổi, tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 23/9, tại buổi làm việc với ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng Liên minh châu Âu (EU) là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá rất cao ý nghĩa các hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết trong thời gian qua, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được hai bên thông qua mới đây.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu, cũng như khu vực Liên minh châu Âu và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng trao đổi thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam vẫn được duy trì hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết với riêng Hà Nội, đã 6 tuần qua không phát hiện bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mới tại cộng đồng. Các hoạt động kinh doanh, đời sống người dân đang dần ổn định trong điều kiện bình thường mới. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, điển hình như Hội nghị "Hà Nội 2020-Hợp tác, đầu tư và phát triển."

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế, xã hội của Thủ đô đang duy trì ở mức khá cao, vượt hơn bình quân chung của cả nước.

Nhấn mạnh Thủ đô luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội sẵn sàng cùng Liên minh châu Âu trao đổi, tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng.

[Giám sát thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên]

Ngoài ra, Hà Nội đang lên kế hoạch về chiến lược phát triển tổng thể kinh tế, xã hội Thủ đô trong 5 năm đến 10 năm tới và với tầm nhìn xa hơn nữa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội kỳ vọng với sự hợp tác, hỗ trợ của Liên minh châu Âu, cùng nền tảng là những hiệp định mà hai bên đã ký kết, Hà Nội sẽ sớm hiện thực hóa được những mục tiêu quan trọng phát triển kinh tế, xã hội bền vững theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại.

Cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của Thành ủy và cá nhân Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti cho biết trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu đang chuyển dần sự chú ý sang khu vực châu Á, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những đối tác đặc biệt quan trọng. Điều này được thể hiện qua những hiệp định hai bên đã ký kết ở trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc thông qua EVFTA đã tạo tiền đề thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai bên.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti nhận định: những thành quả ấn tượng của Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng đã trở thành lợi thế lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang xem xét chuyển dịch hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Thời gian tới, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti mong muốn sẽ có thêm những cuộc thảo luận về việc hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, nhất là những nội dung mà Liên minh châu Âu có thế mạnh như bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chất lượng nước...

Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam để trở về Thái Lan nhận nhiệm vụ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.