Theo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 3 tháng đầu năm với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 970 triệu USD.
Để có được kết quả này, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định Hà Nội đã góp phần kiến tạo nên vai trò kết nối xúc tiến thương mại của Hà Nội đối với khu vực và cả nước. Đồng thời, là đầu mối triển khai công tác xúc tiến của thành phố trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch.
Đặc biệt, một số chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Điển hình như Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội làm rất tốt, giúp cho phát triển kinh tế nông thôn, các sản phẩm OCOP dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...
Hà Nội hiện có 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao. Đây được đánh giá là điểm sáng của thành phố Hà Nội, đi đầu của cả nước trong phát triển OCOP.
Riêng năm 2023, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch thành phố giao (400 sản phẩm).
Sản phẩm OCOP năm 2023 được đánh giá là đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế, biến chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 11,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết nhằm hỗ trợ cho các chủ thể nói riêng và các làng nghề nói chung Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và Quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Ca- chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 4 sao của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên cho biết việc Hà Nội tổ chức các sự kiện, tuần hàng hay hội chợ trực tiếp, hội chợ online bán hàng trên các trang thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm OCOP trên đa phương diện sẽ rất tốt giúp cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, giúp cho chủ thể có sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Như vậy, việc tham gia các sản phẩm OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp để cho chúng ta có 1 quy trình sản phẩm hoàn thiện, an toàn từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra và người tiêu dùng cũng an tâm về sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Mai, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa nông trại Ba Vì, đơn vị có sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao chia sẻ, từ năm 2020, công ty đã có sản phẩm tham gia đánh giá phân loại sản phẩm OCOP và có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Đến tháng 10/2023, công ty lại tiếp tục tham gia và có 10 sản phẩm đánh giá lại đạt OCOP 4 sao. Tính đến nay, công ty đã có 14 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Từ những thành quả đó, sản phẩm của công ty được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã phủ hết các tỉnh thành trong cả nước và thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường Lào. Kết quả doanh thu năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước từ 20-30%. Đây chính là động lực để công ty phấn đấu và phát triển doanh nghiệp trong những năm tới.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và các Sở, ngành đã triển khai thực hiện 189 hoạt động, chương trình xúc tiến cả trong nước và nước ngoài.
Nhiều hoạt động đã được đổi mới, thay đổi phương thức triển khai phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.Trung tâm cũng xác định các thị trường trọng điểm, gắn kết đồng bộ cả ba nội dung xúc tiến về đầu tư, thương mại và du lịch trong các sự kiện để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến (đặc biệt là các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài).
Bình Dương phấn đấu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào khu công nghiệp trong 2024
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút khoảng 130-140 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong 2024, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,2-1,3 tỷ USD.
Đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư có chọn lọc theo đúng định hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới; dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của thành phố./.