Tại buổi khảo sát công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa do Ban Văn hóa-Xã hội,Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện sáng 4/6, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều trường hợp tự ý xây dựng, tu bổ di tích khi chưa có thỏa thuận của cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền.
Cụ thể, việc tự ý xây dựng, tu bổ xảy ra tại chùa Đồng Quang (quận Đống Đa), chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai), chùa Lâm So (huyện Quốc Oai), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), chùa Thiên Trù-Hương Tích (huyện Mỹ Đức), đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa), chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai)...
Ngoài lý do đội ngũ cán bộ quản lý di tích còn mỏng, chuyên môn chưa đáp ứng kịp thời thì những người trông coi di sản chưa ý thức cao trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản.
Một số làng, xã có tư tưởng “tiền của dân thì dân tự làm” nên tồn tại việc tự ý phá dỡ để tu sửa và xây mới làm hư hại, thay đổi di tích.
[Đề nghị kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm tu bổ di tích chùa Bối Khê]
Bên cạnh đó, nhiều di tích còn tồn tại hiện tượng tự ý tu sửa, sơn thếp tượng, hiện vật, đồ thờ; đưa các loại vật liệu xây dựng, tiếp nhận công đức các hiện vật, bày đặt vị trí không phù hợp với di tích.
Một mặt, công tác vệ sinh môi trường, bao sái hiện vật, đồ thờ chưa được quan tâm; bài trí hiện vật, đồ thờ còn lộn xộn; khu nội tự không đảm bảo gọn gàng, ngăn nắp; còn hiện tượng gắn đá khắc tên người công đức trên tường...
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 5.922 di tích, gồm 2.435 di tích xếp hạng các cấp (di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia, di tích xếp hạng thành phố) và 3.486 di tích chưa xếp hạng.
Tuy vậy, có tới 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn tu sửa, trong đó 448 di tích xuống cấp và 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm.
Một số di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ nhưng địa phương chưa quan tâm thỏa đáng, chưa kịp thời chủ động ứng vốn, cân đối vốn, kêu gọi xã hội hóa để đầu tư chống xuống cấp như đình Cổ Chế, đình Thần Quy (huyện Phú Xuyên).
Tại các quận nội thành, còn không ít các di tích cho người nhà vào ở, cho mượn mặt bằng, công trình để bán hàng quán mất mỹ quan, gây tình trạng bị lấn chiếm đất, không gian và gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể là chùa Miễu, chùa Thanh Nhàn (quận Đống Đa).
Trước thực trạng này, ngành Văn hóa Hà Nội phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nơi có di tích hiểu rõ ý nghĩa, giá trị di tích lịch sử-văn hóa để người dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Các cấp tăng cường công tác quản lý đối với các di tích, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm đến di tích.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng, phê duyệt các đề án, kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, vận động xã hội hóa, huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư để bảo tồn, phát huy giá trị di tích./.