Hà Nội và câu chuyện xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa

Đối với người nông dân "tấc đất, tấc vàng" nhưng họ sẵn sàng đồng lòng cùng chính quyền hiến đất mở đường, góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn Hà Nội khang trang, sạch đẹp.
Hà Nội và câu chuyện xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa ảnh 1Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, bởi cách làm bài bản, khoa học, đi bước trước nhưng đã tính được những bước sau.

Hà Nội xác định là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, đối với người nông dân "tấc đất, tấc vàng" nhưng họ sẵn sàng đồng lòng cùng chính quyền hiến đất mở đường, góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Với những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua đã giúp Hà Nội thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc.

Bài 1: Sẵn sàng hiến đất mở đường

Hà Nội là địa phương đến phút cuối mới có một xã được Trung ương chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay đã có sáu huyện được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm hơn 84% số xã); thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/năm, tăng 33,5 triệu đồng.

Hà Nội có ba chỉ tiêu vượt trước hai năm so với mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.

Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước, với những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp từ sau thành công lớn của chủ trương dồn điền đổi thửa đúng đắn và hiệu quả.

Song song với đó là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới được lan tỏa, nhờ sự ủng hộ của người dân, với tinh thần "Con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương" đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Chính nhờ phong trào hiến đất mở đường mà tại các làng quê của Hà Nội nói chung đã có nhiều khởi sắc, đổi mới. Cùng với những con đường mới được đầu tư xây dựng, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều nơi, người dân còn góp tiền xây cổng làng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa...

Về phong trào hiến đất làm đường của người dân, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức Hoàng Văn Tuấn nhận xét ai cũng hiểu rõ giá trị của "tấc đất-tấc vàng," nhưng hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, chính những người nông dân đã hy sinh nguồn lợi cá nhân để hiến đất mở đường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đến thôn Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn hỏi thăm ông Phùng Văn Hải thì ai cũng biết ông Hải là tấm gương sáng trong phong trào hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm.

Không chỉ tự nguyện đóng góp đất đai, công sức, tiền của, ông Phùng Văn Hải còn kiên trì vận động người dân góp công sức, tiền bạc để xây dựng nhiều công trình bị phá dỡ trong quá trình mở đường. Việc làm của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, biến những điều tưởng chừng khó trở thành hiện thực, để quê hương Vân Côn có diện mạo mới...

Ông Hải chia sẻ, trước thực trạng người đồng thuận hiến đất, hộ còn băn khoăn, lãnh đạo thôn cùng ban vận động của xóm quyết định nơi nào thuận lợi làm trước, nơi nào khó khăn làm sau. Khi những đoạn đường dần hiện rõ hình hài, đẹp hơn, thoáng hơn, nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để mở đường thẳng hơn, rộng hơn.

Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn, 20 hộ dân hai bên đường đã hiến 100m2 đất, trong đó, nhiều gia đình đã tự nguyện phá dỡ các công trình kiên cố như bể nước ngầm, cổng ra vào…

Phong trào người dân hiến đất xây dựng nông thôn mới của Hà Nội lan tỏa ở nhiều địa phương, đâu đâu cũng có những gương điển hình tiêu biểu sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình mình chung tay cùng chính quyền xây dựng và phát triển nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Ông Đặng Văn Hùng, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng phấn khởi kể về những thành quả mà nhân dân Thượng Mỗ cùng nhau thực hiện trong việc mở rộng đường nông thôn. Ánh mắt của ông Bí thư xã năm nào lấp lánh vẻ tự hào xen lẫn xúc động.

Ông Hùng kể thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố và Chương trình số 02-Ctr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân," nhiều nơi của huyện Đan Phượng, các phong trào xây dựng nông thôn mới thực hiện rầm rộ với không khí phấn khởi.

Phong trào hiến đất mở rộng đường nông thôn là nhiệm vụ được xác định sẽ khó khăn và lâu dài. Khó là bởi "tấc đất-tấc vàng," đâu ai dễ gì từ bỏ từng mét đất đã gắn bó với cuộc sống của họ bao lâu nay.

So với các xã khác ở huyện Đan Phượng, Thượng Mỗ bắt nhịp sau, nhưng phong trào hiến đất, góp công, góp của từ nhân dân đạt kết quả nhanh đến bất ngờ. Hàng chục cuộc họp giữa chính quyền xã và người dân diễn ra để bàn về việc mở đường nông thôn. Lúc đầu, nhiều gia đình còn băn khoăn, e ngại khi phải tháo dỡ, từ bỏ một phần tài sản của gia đình như tường nhà, bể nước ngầm, công trình phụ... "Cái khó sẽ ló cái khôn, cán bộ cần làm gương trước mới mong nhân dân thực hiện," ông Hùng chia sẻ.

Ông Trần Văn Phục, Trưởng xóm Giữa (thôn Xuân Dục, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn), nhớ lại ban đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Khi họp dân bàn về hiến đất mở đường, các hộ cũng phản đối. Ông đã đích thân đến từng gia đình cán bộ, đảng viên để vận động họ gương mẫu tham gia trước. Sau đó, những người này trở thành "hạt nhân" cùng ông đến từng hộ dân, phân tích những hạn chế của đường nhỏ hẹp và vận động các hộ tham gia hiến đất mở rộng đường. Khi hiểu rõ lợi ích chung, hầu hết người dân đều tự nguyện tham gia.

Trong nghìn lẻ câu chuyện hiến đất làm đường ở nông thôn vô cùng cảm động, bởi nhiều gia đình còn rất khó khăn hay như vướng vào tâm linh nhưng họ luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới. Đó là ngôi nhà cổ của ông Khuất Duy Nguyên (75 tuổi) ở xóm Dế thuộc thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Nhà được làm bằng gỗ, có từ năm đời, tính đến nay đã hơn 100 tuổi. Ông Nguyên là cháu trưởng của dòng họ Khuất trong làng, nên mọi việc ông làm đều có ảnh hưởng đến những người trong họ.

Ông Nguyên chia sẻ: "Khi tôi đồng ý dỡ bỏ một phần mái nhà, phạt đi một đoạn tường để hiến đất, người trong dòng họ phản đối lắm. Đất hương hỏa, nhà tổ tiên có từ năm đời bỗng nhiên động chạm phá dỡ, ai cũng ngại. Trong các cuộc họp gia đình, tôi vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình vì tôi nghĩ mỗi nhà lùi vào vài chục centimet thì đường thôn sẽ thoáng rộng hơn. Đó là cái lợi lâu dài mà ai cũng được hưởng. Thấy tôi cương quyết vậy, con cháu cũng nghe theo."

Câu chuyện hiến đất làm nhà văn hóa thôn của gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Mễ Sơn, (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) cũng không kém phần xúc động, bởi gia đình bà thuộc diện khó khăn ở địa phương nhưng sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Mễ Sơn cho biết, mặc dù gia đình bà Nguyễn Thị Lương còn khó khăn, nhưng vì việc chung của thôn, bà Lương đã vận động người thân tình nguyện hiến đất xây dựng nhà văn hóa phục vụ hoạt động chung của cộng đồng.

Bà Lương cho biết, khi xã Nguyễn Trãi có chủ trương cho thôn Mễ Sơn xây dựng nhà văn hóa với diện tích hơn 1.000m2, cán bộ trong thôn tổ chức họp dân bàn xem nên làm cách nào để có được diện tích tối thiểu xây dựng nhà văn hóa. Lúc đó, có bảy hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất nằm trong khuôn viên dự án, gia đình bà cũng trong số đó. Khi các hội đoàn thể của thôn, xã thông báo, các hộ dân có thể đổi đất hoặc hiến đất để xã hoàn thành công trình, sau nhiều đêm suy nghĩ, bà bàn với con cháu và quyết định hiến 65m2 đất của gia đình nằm trong khuôn viên dự án nhà văn hóa cho chính quyền địa phương. Giờ đây, một nhà văn hóa khang trang đã hoàn thành, trở thành nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội họp cho toàn thể người dân trong thôn, bà rất mừng và càng thấy việc làm của gia đình mình thật có ý nghĩa.

Nói về tâm huyết của người mẹ, con trai út Lê Văn Lư kể lại: "Ban đầu khi nghe mẹ tôi nói sẽ hiến 65m2 đất cho thôn xây dựng nhà văn hóa, tôi thấy cũng băn khoăn bởi gia đình không khá giả, nếu bán chỗ đất đó sẽ được một khoản không nhỏ cho mẹ già phòng lúc ốm đau. Tuy nhiên, khi nghe mẹ tôi phân tích, con người sống không chỉ vì vật chất mà phải có trách nhiệm với địa phương và việc này có ý nghĩa lớn cho con cháu nên tôi và mọi người trong gia đình đều nhất trí nghe lời mẹ, hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn."

Hiện nay, không riêng gì các xã ở huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín, Sóc Sơn, Hoài Đức mà rất nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, phong trào hiến đất, góp công, góp của diễn ra sôi nổi, với tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân. Bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nông thôn mới.

Kết quả ấy có được là do sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng từ cả hệ thống chính trị đến người dân mà trong đó đóng góp của từng cán bộ, người dân đã mang đến hiệu quả lớn, giúp Hà Nội sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chính những nhà văn hóa thôn đang trở thành nơi ươm mầm, tạo động lực để các bạn trẻ, người dân nông thôn gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế giỏi, nhất là đối với các bạn trẻ với khát vọng khởi nghiệp, thoát nghèo, xây dựng quê hương thành nơi đáng sống.

['Nông thôn Hà Nội phải đi đầu áp dụng thành tựu công nghiệp 4.0']

Hà Nội và câu chuyện xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa ảnh 2Đường nội thôn sạch sẽ, rộng rãi. (Ảnh minh họa. Khiếu Tư/TTXVN)

Từ kỹ sư tin học đến chủ trang trại

Căn nhà 3 tầng khang trang nằm nổi bật giữa làng quê yên bình với đầy đủ tiện nghi. Chủ nhân ngôi nhà là một thanh niên sinh năm 1987, nổi tiếng với nghề nuôi chim bồ câu giống và thương phẩm, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Đó là anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Anh Phúc là một trong mười gương mặt thanh niên Thủ đô tiên tiến xuất sắc làm theo lời Bác năm 2018 do Thành đoàn Hà Nội trao tặng.

Sau lời mời của anh Phúc, chúng tôi bước vào căn nhà khang trang giữa thôn Hiệu Chân. Căn phòng khách nổi bật với chiếc giá sách đầy ắp bằng khen, ghi nhận cho những nỗ lực làm kinh tế đầy sáng tạo của anh. Bên những bằng khen, tấm ảnh cưới của vợ chồng anh Phúc được đặt trang trọng. Hai đứa trẻ, một gái một trai đang cười đùa ríu rít.

Rót nước mời khách, anh Phúc chia sẻ, cách đây đúng 10 năm, khi anh mới ngoài 20 tuổi, trở về sau quá trình học ở Nga. Với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin danh giá, anh Phúc nhanh chóng tìm được một công việc đúng ngành nghề với mức lương ổn định ở nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, anh Phúc chưa bao giờ hài lòng với việc làm công ăn lương. Nhất là sau khi lập gia đình, khát khao tự thân lập nghiệp, mang lại cuộc sống sung túc hơn cho vợ con càng trở lên mãnh liệt trong anh. Phúc quyết định nghỉ việc văn phòng, trở lại quê hương bắt đầu sự nghiệp nuôi chim bồ câu chỉ với 30 triệu đồng ít ỏi trong tay.

Khoảng thời gian này, anh Phúc nuôi chim bồ câu ngay trong căn nhà của gia đình sinh sống. Ngôi nhà ba tầng chỉ dùng tầng một để sinh hoạt, hai tầng trên để nuôi chim bồ câu. Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, ngay lập tức anh Phúc gặp thất bại. 100 đôi chim bồ câu giống cứ chết dần, chết mòn, sau vài tháng ngắn ngủi, anh Phúc chỉ còn lại 20 đôi bồ câu.

"Bại không nản," với số tiền ít ỏi còn lại, anh mua thêm 30 đôi chim bồ câu, kiên trì chăm sóc. Lần này, trời không phụ lòng người bao đêm ngày vất vả anh đã thành công. Chỉ bốn tháng sau, từ 50 đôi bồ câu, anh Phúc đã nhân đàn lên thành 80 đôi, rồi 100, 150 đôi... Đàn bồ câu cứ thế lớn dần, anh Phúc nuôi xoay vòng, chim đẻ được bao nhiêu anh bán lấy tiền mua thức ăn và nhân thêm đàn, bắt đầu có lãi. Trừ các loại chi phí, mỗi tháng anh Phúc dư ra khoảng 4 triệu đồng để ổn định cuộc sống.

Anh Phúc chia sẻ, thời gian đầu tập nuôi chim bồ câu, chưa có đầu ra, anh phải mang bồ câu đến từng quán ăn để chào hàng. Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh là một lập trình viên, anh tự lập trang web, fanpage, tự quảng cáo sản phẩm của mình. Dần dần, khách hàng tìm đến anh ngày một đông. Đến nay, bồ câu giống và bồ câu thương phẩm do anh Phúc cung cấp luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu." Trang trại bồ câu Hồng Phúc hiện có tổng đàn 9.000 đôi chim, chăn nuôi ở năm cơ sở gồm bốn cơ sở tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn và một cơ sở tại tỉnh Thái Nguyên.

Mười năm gây dựng cơ nghiệp, từ một lập trình viên trẻ, đến nay anh Phúc đã trở thành ông chủ của một trang trại lớn, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập ổn định. Với mức giá bán ra từ 200.000- 250.000 đồng/đôi bồ câu giống, 150.000 đồng/đôi bồ câu thịt, mỗi tháng, anh Phúc thu lãi 250-300 triệu đồng, một con số quá ấn tượng với "ông chủ" vừa qua tuổi 30.

Bản thân cũng từng là người đi học nghề nên anh Phúc không bao giờ giấu nghề. Ai tìm đến, anh đều nhiệt tình chia sẻ, cung cấp bồ câu giống và kỹ thuật cho họ. Người từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang,... đều tìm đến trang trại của anh để mua bồ câu giống và học kỹ thuật nuôi bồ câu khá nhiều.

Hiện Nguyễn Văn Phúc là Phó Chủ nhiệm Hội Thanh niên lập nghiệp của huyện Sóc Sơn. Anh cho biết, tham gia vào các tổ chức của thanh niên, anh được đi tham quan nhiều mô hình sản xuất thuộc nhiều ngành nghề ở các địa phương khác nhau, mỗi mô hình, mỗi người lao động đều cho anh những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, từ cách làm nghề đến sự kiên trì, sáng tạo trong công việc.

Sinh viên mỹ thuật trở thành "Vua ếch"

Đến Bắc Vọng, xã Bắc Phú huyện Sóc Sơn Hà Nội hỏi thăm anh Kết "ếch" ai cũng biết tiếng. Bởi con ếch của anh không chỉ phục vụ người dân quanh vùng phía Bắc mà vào tận miền Trung và sang tận khu vực Đông Nam Á.

Vốn là một sinh viên ngành mỹ thuật, khi ra trường, anh Nguyễn Văn Kết từng làm quảng cáo tại một cửa hàng ở huyện Sóc Sơn. Với đặc thù công việc hay phải lướt web, anh tình cờ xem một chương trình giới thiệu về nuôi ếch thương phẩm vào một ngày năm 2006. Anh thấy công việc này nhẹ nhàng, không tốn thời gian lại có thể kiếm thêm một khoản thu nhập. Từ đó, anh bén duyên với con ếch, rồi từ nghề phụ chỉ dành lúc rảnh rỗi nay lại trở thành nghề chính, nuôi gia đình và làm giàu.

Khi anh quyết định nuôi ếch, rất may mắn lại được địa phương tạo điều kiện tham quan các mô hình nông nghiệp tiêu biểu; trong đó, có mô hình nuôi ếch của ông Lý Thanh Sắc ở Hà Tĩnh. Nhận thấy ếch là loài dễ nuôi, anh Kết quyết định bắt ếch về nuôi "chơi." Anh Kết bắt đầu mối duyên với 5.000 con ếch trên diện tích 50m2 đất vườn. Vừa đi làm, anh vừa miệt mài trở về nhà mỗi buổi trưa, "phơi mình" ngoài bể ếch để quan sát, trăn trở với ếch có khi đến giữa đêm. Nhưng chỉ nhiệt huyết là không đủ, làm bất kỳ công việc nào cũng cần có kiến thức.

Anh Kết cho biết, ếch là loài ít dịch bệnh, bệnh thường gặp nhất là đầy hơi nếu môi trường nước không đảm bảo. Bởi vậy, anh rất hạn chế dùng thuốc kháng sinh mà tập trung nuôi ếch bằng tỏi và các cây lá thảo dược. Anh mong muốn nuôi được con ếch sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ đó, ếch thương phẩm của gia đình anh được ưa chuộng, nhiều người tự tìm đến.

Từ nghề phụ thành nghề chính, đến nay, tổng diện tích trại ếch của anh Kết là 7.000 m2, cung cấp ếch giống và ếch thịt ổn định cho các siêu thị, trường học trên địa bàn 13 tỉnh phía Bắc. Giá ếch thương phẩm bán tại trại cho các đầu mối là 50.000 đồng/kg, ếch nuôi lâu để chắc thịt có thể lên mức 70.000 đồng/kg, ếch giống có giá 800-1.200 đồng/con. Trung bình mỗi năm anh Kết thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho bốn lao động với mức lương hàng tháng từ 5-6 triệu đồng/người.

Làm kinh tế giỏi, anh Kết còn là Bí thư chi đoàn thôn Bắc Vọng đồng thời là thành viên hội VAC của xã nên anh được hỗ trợ nhiều trong việc hỗ trợ tham quan các mô hình. Cũng đã có nhiều người trẻ tìm đến anh để học hỏi và lập nghiệp, tiêu biểu như anh Giáp Văn Bảo (Bắc Giang). Ban đầu anh Bảo chỉ đến trang trại ếch của anh Kết bắt giống về tự nuôi, đến nay đã bắt giống giúp bà con trong vùng làm kinh tế, vừa nuôi ếch thịt vừa tự sản xuất giống rất hiệu quả.

Với mong muốn tạo nên thương hiệu ếch sạch Bắc Phú, anh Kết ấp ủ dự định xây dựng một chuỗi sản xuất ếch khép kín, bắt đầu từ việc xây dựng một hệ thống nhà kính lớn hơn. Đây là một hướng đi đúng trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng được Hà Nội rất khuyến khích và nhân rộng. Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới liên kết chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến, bao tiêu sản phẩm như vậy mới kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến với người tiêu dùng.

Hà Nội và câu chuyện xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa ảnh 3(Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Với những gương thanh niên dám nghĩ dám làm, khát khao khởi nghiệp, vươn lên từ chính mảnh đất quê hương mình như các bạn trẻ Nguyễn Văn Phúc ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng hay Nguyễn Văn Kết Bắc Vọng, xã Bắc Phú huyện Sóc Sơn Hà Nội rất đáng được chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ để khuyến khích và lan tỏa trong thanh niên ở nông thôn.

Chính những thanh niên dám nghĩ dám làm này là những hạt nhân tiên phong, gương mẫu để lớp lớp thanh niên noi theo, từ đó cùng nhau góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, là khởi nguồn cho những ước mơ, viết tiếp cho câu chuyện xây dựng nông thôn mới - chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc.

[Nông thôn Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện]

Đích đến không phải điểm dừng

Với những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua đã giúp Hà Nội thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nông thôn trởthành nơi đáng sống. Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc.

Bước sang giai đoạn mới, Hà Nội đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm, đưa tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên, thu nhập nông dân đạt 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động nông thôn đạt 98%...

Để có được thành tựu sau 10 năm xây dựng nông thôn mới như ngày hôm nay, nó đã khẳng định quan điểm rất đúng và trúng của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Bởi vì khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 26/NQ-TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng việc làm cụ thể là xây dựng hệ thống các xã điểm nông thôn mới trên toàn quốc, đã có 10 xã đại diện cho các vùng nông thôn khác nhau trên cả nước được lựa chọn để triển khai rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lúc đó chưa có xã nào của Hà Nội nằm trong danh sách.

Trong khi đó, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có đến 88,3% diện tích đất nông nghiệp, 401 đơn vị hành chính cấp xã, đứng thứ ba cả nước sau Thanh Hóa, Nghệ An nên thành phố đặt vấn đề kiến nghị Trung ương bổ sung một xã điểm tại Thủ đô. Thay vì 10 xã đại diện cho các vùng nông thôn như ban đầu, đến phút cuối cùng Trung ương đã quyết định chọn 11 xã làm điểm để triển khai rút kinh nghiệm trong cả nước. Điều này thể hiện tầm nhìn của Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết Tam nông-Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân. Với Hà Nội việc xây dựng nông thôn mới chỉ có bắt đầu mà không có điểm dừng.

Vì vậy, 10 năm sau làng quê Hà Nội nói chung đã có nhiều khởi sắc, đổi mới. Cùng với những con đường mới được đầu tư xây dựng, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều nơi, người dân còn góp tiền xây cổng làng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa...

Thành công đầu tiên là thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến là hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp - một vấn đề rất khó và phức tạp. Dồn điền, đổi thửa thành công mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Hiểu rõ công tác dồn điền đổi thửa những diện tích đất nông nghiệp vốn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán sẽ là khâu đột phá, có tác động trực tiếp và tích cực đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội - người đã dồn tâm huyết soạn Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 về "Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội."

Nhờ vậy mà hơn 1.800ha đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa của thành phố đã giúp các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, là nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nông thôn mới. Cũng bởi hiểu rõ "ngọn ngành" công việc hệ trọng này, ông được lãnh đạo thành phố tin cậy giao nhiệm vụ tìm nút thắt, tháo gỡ nhiều "điểm nóng" trong thực hiện dồn điền đổi thửa giai đoạn đầu tại một số địa phương như xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) hay Cộng Hòa (huyện Quốc Oai)...

Ông Lê Thiết Cương chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc. Người nông dân phải làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Họ phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ... Đó là điều mà ông rất tâm đắc và nhiều lần nhấn mạnh nội dung căn cốt này tới đội ngũ cán bộ các cấp gần dân nhất.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã được lan rộng trong toàn thành phố, nhận thức của người dân được nâng lên; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng... Các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá.

Cụ thể, Hà Nội có ba chỉ tiêu vượt trước hai năm so với mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôm mới đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/1ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố đã dồn điền, đổi thửa đạt 104,6% kế hoạch. Đến nay, Hà Nội đã có sáu huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm hơn 84% số xã), không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2018 là hơn 3%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước hai năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).

Tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay là 76.451 tỷ đồng; trong đó, ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741tỷ đồng, chiếm trên 19% tổng kinh phí.

Hà Nội và câu chuyện xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa ảnh 4Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 cho huyện Quốc Oai và huyện Gia Lâm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng cho biết, thành công lớn nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện là từ huyện thuần nông đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, với mức thu nhập bình quân 96 triệu đồng/người/năm. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2015. Một thành tựu khác của huyện là đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận, sản xuất phát triển...

Đến nay, huyện lại tiếp tục phấn đấu với tiêu chí mới "Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu" và có ba xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung là những xã đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Nhân dân huyện và Ban Chỉ đạo huyện Đan Phượng xác định nhiệm vụ trọng tâm là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Ông Hùng chia sẻ, là huyện cán đích nông thôn mới sớm nhất của thành phố, Đan Phương quê hương của khởi nguồn phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" là một minh chứng rõ nhất cho câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội, chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ... Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, xây dựng nông thôn mới là một chặng đường dài trong lộ trình phát triển của Thủ đô, có thể nói có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành công hôm nay tiếp tục mở ra chặng đường mới để Hà Nội xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Do vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã xác định đến 2020, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tăng cường liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị.

Các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019 và 2020; tập trung hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt để đến hết năm 2020, Hà Nội có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình), có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.