Đại diện Sở xây dựng Hà Nội cho biết hiện nay với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ, trên địa bàn thành phố cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước. Với các trận mưa có cường độ từ 50-100mm/2giờ, sẽ xuất hiện khoảng 12 điểm ngập úng.
Các điểm nguy cơ ngập úng cao gồm: Ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; ngã 5 Đường Thành-Bát Đàn nhà Hỏa; Cao Bá Quát đoạn trước Công ty Môi trường đô thị; Đội Cấn-trước cửa số nhà 209 (chùa Bát Tháp); ngã 3 La Pho-Thụy Khuê; phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); đường Giải Phóng (đoạn trước cửa bến xe phía Nam); Nguyễn Chính-ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; phố Thanh Đàm;...
Ngoài ra, một số điểm úng ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp, như tại Quốc lộ 1A, Quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Phú Diễn…), Quốc lộ 32, Quốc lộ 21B; đường gom Đại lộ Thăng Long cũng sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông.
[Từ ngày 8-14/8, Bắc Bộ mưa dông kéo dài, đề phòng thời tiết nguy hiểm]
Thống kê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy từ đầu tháng 8/2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 3 cơn mưa lớn kéo dài. Trong đó, trận mưa lớn kéo dài ngày 5/8 với lượng mưa đo được giao động từ 55-101mm đã khiến nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là phố Bùi Xương Trạch (đoạn từ số nhà 49-93); phố Quan Nhân, ngã ba Quan Nhân-Vũ Trọng Phụng; Nguyễn Trãi; Nguyễn Tuân, Nguyễn Xiển (từ ngã ba Nguyễn Trãi-Nguyễn Xiển đến ngõ 214); Triều Khúc với mức độ ngập từ 0,1-0,2m. Tại các khu vực như ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt, Tông Đản, Liên Trì, ngã 5 Bà Triệu, Thụy Khuê,…
Nhằm tăng cường hệ thống thoát nước, giảm úng ngập trong các tháng cuối năm, thành phố sẽ triển khai các giải pháp: Nâng cấp trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trước mùa mưa; đôn đốc, bàn giao, tiếp nhận công trình thoát nước đã hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, khắc phục sự cố; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước...
Đến nay, thành phố đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành một số trạm xử lý nước thải như Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long-Vân Trì, Yên Sở, Bảy Mẫu và Hồ Tây. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đang thực hiện dự án “Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá,” dự kiến hoàn thành năm 2024.
Từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội cũng đã xử lý ô nhiễm đối với 90 hồ nội thành, lắp đặt bè thủy sinh trên 66 hồ, lắp máy sục khí tại 52 hồ và nạo vét bùn tại 10 hồ. Ngoài ra, để chủ động ứng phó với sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020).
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải toả ách tắc giao thông khi có mưa lớn; triển khai ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn./.