“Rác thải công nghiệp ngổn ngang trên triền đê, lấn chiếm cả phần đường của người tham gia giao thông. Rác sinh hoạt thì đổ thải, đốt vô tội vạ khắp đường làng, lấp kín hệ thống kênh mương, khiến nguồn nước đen như mực, bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề.”
Một người dân ở khu vực xã Xuân Thu đã ngán ngẩm thốt lên như vậy. Đó là hiện trạng ở không ít khu vực tại ngoại thành Hà Nội. Trong khi chính địa phương đang loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết thì người dân vẫn phải sống chung với cái sự “bẩn” vô lý đó.
Triền đê ô nhiễm
Một ngày đầu tháng Ba, trời hửng nắng. Chúng tôi tìm về xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tìm hiểu tình trạng rác thải bủa vây làng quê. Đúng như thông tin người dân phản ánh, tình trạng đốt, đổ rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Thu diễn ra như “chốn không người.”
Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, dọc tuyến đường đê thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, rác thải công nghiệp với đủ loại như bao tải, vỏ lốp cao su, hộp nhựa nằm ngổn ngang hai bên đường. Rác chất thành từng đống lớn, lấn chiếm cả phần đường của người tham gia giao thông.
Tại đây, có ít nhất hai cơ sở giặt, nghiền bao tải và tái chế nhựa, đốt dây điện lấy lõi đồng liên tục nhả khói và xả nước màu trắng đục ra đường, trôi xuống sông. Thi thoảng, những cuộn khói đen lại ngùn ngụt bay lên trời, bốc mùi khét lẹt.
Tiếp tục đi dọc đường đê, chúng tôi ghi nhận được hàng loạt đống rác phế thải như túi nilon, vỏ lốp cao su, vải vụn…đổ tràn lan hai bên đường thuộc địa phận thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu) đang bốc cháy, mùi hôi thối nồng nặc.
Trong số những đống rác bốc cháy ven đường tại thôn Xuân Lai, có đống rác nằm đối diện cổng Trường Trung học cơ sở Xuân Thu và cách Trạm y tế xã Xuân Thu chưa đầy 200m. Đống rác này bốc cháy tỏa ra thứ mùi cực kỳ đáng sợ.
Dưới kênh mương, rác thải dân sinh ngập ngụa, lấp kín cả cống mương rồi ứ đọng một chỗ, khiến nước mương đen ngòm như mực. Có đoạn, xác động vật (gà, chó) nằm lăn lóc, ruồi nhặng bâu kín, khiến ô nhiễm càng trở nên trầm trọng hơn.
Chia sẻ về sự “bẩn” nêu trên, anh Nguyễn Văn Thống, người dân tại thôn Xuân Lai, ngán ngẩm bảo: “Tình trạng đổ rác, đốt rác thải ở khu vực này đã diễn ra từ nhiều năm qua, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Đặc biệt là khi người ta đốt rác, khói đen, khí độc lại bay vào nhà, cho dù đóng kín cửa cũng không chịu được.”
Vẫn theo lời anh Thống, việc người dân tự “quy hoạch” nơi đổ rác, đốt rác bừa bãi tại Xuân Lai cũng là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi,” đến nay vẫn chưa được ngăn chặn. Những bãi rác sinh hoạt, thậm chí xác động vật lộ thiên tại các khu đất trống, ven kênh mương, ven đường này ngày một nhiều, phình to theo thời gian và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Thực tế cũng cho thấy, việc đổ rác, đốt rác bừa bãi tại thôn Xuân Lai không những khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, mà còn ảnh hưởng đến bầu không khí và cuộc sống của người dân trên địa bàn xã,” anh Thống nhấn mạnh.
[Những vụ đốt rác công nghiệp đáng sợ tại tỉnh Bắc Ninh]
Loay hoay tìm lời giải
Thẳng thắn nhìn nhận đây là hệ quả của việc không ít người dân chưa ý thức được tác hại từ thói quen xả rác bừa bãi, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Thu cho biết, toàn xã có 3 thôn (Thu Thủy, Yên Phú, Xuân Lai), nhưng đến nay mới chỉ có 2 thôn có tổ thu gom rác thải. Riêng thôn Xuân Lai, đa phần người dân vẫn theo thói quen vứt rác bừa bãi ra đường.
Điều đáng nói là, toàn xã Xuân Thu có hơn 2.500 hộ dân, thì thôn Xuân Lai chiếm hơn một nửa dân số-trên 1.500 hộ dân. Trong đó, hơn 1.000 hộ dân không chịu đóng phí hàng tháng (3-5 nghìn đồng/khẩu/tháng) để duy trì tổ thu gom rác. Thay vào đó, người dân tự ý vứt trực tiếp rác thải ra ven đường, kênh mương.
“Trước đây, chính quyền xã hỗ trợ hoàn toàn kinh phí 3 tháng đầu, sau đó các hộ dân phải đóng phí. Vì thế, thời gian đầu, thôn Xuân Lai cũng có tổ thu gom rác. Tuy nhiên, về sau phải đóng phí thì người dân thôn này không chịu hợp tác, nên tổ thu gom rác đã phải dừng hoạt động,” ông Tuấn phân trần.
Vẫn theo lời ông Tuấn, để giải quyết bài toán rác thải nông thôn, từ năm 2010 đến nay, chính quyền xã Xuân Thu đã thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động bà con đóng kinh phí để chi trả cho hoạt động “làm sạch môi trường,” nhưng phần lớn người dân thôn Xuân Lai vẫn không chịu hợp tác.
“Cái khó ở đây là mật khẩu dân số thôn Xuân Lai quá đông, lượng rác người dân thải ra mỗi tháng rất lớn, nhưng một số người dân vẫn chưa nhìn nhận được vấn đề ảnh hưởng đến môi trường nên không đóng góp kinh phí. Đó cũng là lý do khiến lượng rác người dân vứt ra môi trường rất khó xử lý.”
“Bạn cứ tính xem, mỗi tháng trung bình mỗi hộ dân vùng nông thôn như nhà tôi, vứt khoảng 2 yến rác, như vậy lượng rác mỗi tháng mà 1.000 hộ dân tại thôn Xuân Lai đổ thải bừa bãi ra môi trường sẽ chiếm khoảng trên dưới 200 tấn. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối, khiến chúng tôi rất đau đầu,” ông Tuấn thở dài nói.
Riêng về tình trạng rác thải công nghiệp ngổn ngang trên triền đê, lấn chiếm cả phần đường của người tham gia giao thông tại thôn Thu Thủy, ông Tuấn cho biết, thôn Thu Thủy về cơ bản người dân đều làm nghề thu mua phế liệu, trong đó có phế liệu là dây điện nên họ thường đốt để lấy lõi kim loại, khiến không khí bị ô nhiễm.
“Trong việc này, xã cũng đã có kế hoạch hằng năm, cũng như tổ chức tuyên truyền đến từng hộ dân. Thế nhưng, vì nhu cầu cuộc sống nên việc xử lý triệt để là rất khó. Đơn cử là, khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra thì các hộ dân không dám đốt, nhưng vào buổi sáng sớm, hay buổi đêm thì họ lại tranh thủ đốt để lấy đồng, nên thực tế vẫn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường,” ông Tuấn thẳng thắn nói.
Khi được hỏi về hướng xử lý tình trạng đổ rác, đốt rác bừa bãi nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Thu khẳng định: “Trong thời gian tới chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền đến từng người dân, ngõ xóm về tác hại của việc đổ rác, đốt rác thải bừa bãi, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh."
"Ngoài ra, chính quyền xã Xuân Thu cũng sẽ cố gắng hỗ trợ một khoản kinh phí, sớm thành lập các tổ thu gom rác trải đều trên địa bàn, để đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống cho người dân.”./.