Hà Nội xây dựng hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020.
Hà Nội xây dựng hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020 ảnh 1Hội nghị Giao ban trực tuyến của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. (Nguồn: hanoi.gov.vn)

So với thời điểm cuối năm 2019, bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020.

Đây là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Giao ban trực tuyến của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với các Sở, ngành, quận, huyện về công tác 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai kế hoạch phát triển những tháng cuối năm được tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.

[Hà Nội gọi được 17,6 tỷ USD vốn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư]

Cụ thể, kịch bản một, tăng trưởng quý 3 đạt 7,8%, quý 4 đạt 8,4%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 4,4-5,2%).

Kịch bản hai, tăng trưởng quý 3 đạt 6,9%, quý 4 đạt 7,4%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 3,6-4,4%).

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Tuy nhiên, về phát triển kinh tế đã chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh COVID-19, vì thế thành phố cần chuẩn bị tinh thần phòng chống dịch bệnh lâu dài, các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chung trong tình hình mới của toàn thành phố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường quản lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng trong các lĩnh vực: quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, xã hội, giáo dục, nước sạch, giải quyết việc làm, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở, hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với tình hình mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành cần tập trung cao độ, thực hiện nghiêm và quyết liệt các tinh thần chỉ đạo và kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nghiêm minh nơi công sở, hạn chế tối đa các thủ tục rườm rà không cần thiết để giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả nhằm ngày càng thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài.

Sau hội nghị Hợp tác Đầu tư và phát triển vừa diễn ra, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để thực hiện tốt các cam kết đã đề ra.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh đặc biệt: vừa phải chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Đáng chú ý, từ tháng 5, tình hình sản xuất, kinh doanh của thành phố đã dần phục hồi, các chỉ tiêu tăng cao so với tháng trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính tăng 3,39%.

Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của thành phố do bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19, mức tăng như vậy là khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố và so với mức chung cả nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,5% (cùng kỳ tăng 7,4%). Trong đó, chế biến chế tạo tăng 3,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 6,1%... Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 10%), tổng mức bán lẻ tăng 0,5%.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều ngành nghề đến nay vẫn đang chịu tác động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Điển hình như du lịch với tổng lượng khách đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%; trong đó khách quốc tế giảm 68,8%.

Tổng thu từ du lịch giảm 61,5%, công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35% so với cùng kỳ, các chuỗi cung ứng toàn cầu, giao thương và xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đã thiết lập trạng thái “bình thường mới” và tập trung thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì phát triển trong các tháng cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.