Ngày 26/7, tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã thống nhất chủ trương thành lập các Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy định của Thành ủy về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra các vi phạm, yếu kém liên quan đến địa bàn, lĩnh vực công tác thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Huy cho biết, một năm qua, các tổ chức, cơ quan, đơn vị của thành phố và các quận, huyện, thị ủy đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU100% các quận, huyện, thị ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Các đơn vị đã tiến hành rà soát, phân loại các vụ việc, phân công nhiệm vụ, có lộ trình giải quyết cụ thể; nâng cao nhận thức của các cấp ủy về sự cần thiết của việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, gắn với lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
[Việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn bị xem nhẹ]
Dư luận cán bộ, đảng viên và người dân đánh giá cao việc triển khai kịp thời Nghị quyết 15-NQ/TU. Sự tập trung của lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đã kiểm soát tốt hơn tình hình ngay từ cơ sở, giảm bức xúc, mâu thuẫn nội tại từng địa bàn, không để gây căng thẳng, phức tạp thêm tình hình hoặc phát sinh các vụ việc mới. Một số địa phương đã thực hiện tăng cường công tác cán bộ ở một số địa bàn còn tồn tại, được đánh giá là biện pháp phù hợp để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm. Đặc biệt, công tác nắm tình hình dư luận xã hội được các cấp ủy chú trọng, giúp kịp thời có biện pháp giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.
Trong năm qua, có 97/117 tổ chức cơ sở Đảng (đạt 82,9%) đã được củng cố. Trong số 200 vụ việc theo Báo cáo số 102-BC/BTCTU ngày 2/6/2017 của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đến nay đã có 88 vụ việc được giải quyết xong. Năm quận, huyện báo cáo đã giải quyết xong các vụ việc gồm: Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Thường Tín. Các quận, huyện, thị xã đã giải quyết xong 169/326 vụ việc phức tạp tự rà soát năm 2017, giải quyết xong 12/35 vụ việc phức tạp tự rà soát bổ sung năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý các cấp, ngành của thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 Nghị quyết 15-NQ/TU gắn với Chỉ thị 15 của Thành ủy Hà Nội. Bên cạnh đó, coi "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong công tác xây dựng Đảng cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương, đơn vị.
Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15 của thành phố cần tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp để củng cố, kiện toàn cơ sở đảng yếu kém; giải quyết dứt điểm những điểm nóng, vụ việc phức tạp, những vấn đề dân sinh bức xúc. Các đồng chí lãnh đạo từ thành phố tới cơ sở bố trí nhiều thời gian hơn cho công tác tiếp công dân theo quy định; đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có tính chất chây ỳ, kéo dài.
Đồng thời, các sở, ngành thành phố cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong đó lưu ý các phương hướng giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng đồng thời, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý, giải quyết các vụ việc bức xúc, không để phát sinh điểm “nóng" trên địa bàn, nhất là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hay xảy ra các vi phạm, tiêu cực như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường./.