Sáng 3/7, Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, chính thức khai mạc.
Tại kỳ họp này, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 1 nghị quyết thường kỳ, 3 báo cáo và 12 nghị quyết chuyên đề, công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Các báo cáo và nghị quyết xem xét tại kỳ họp lần này có liên quan đến việc phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
[Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tiếp tục giảm trong tháng Sáu]
Cụ thể là: Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn đến năm 2030; quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017-2018; định mức, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh; một số nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội...
Cũng tại kỳ họp này, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ trình Hội đồng Nhân dân thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn; Nghị quyết về chương trình giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố năm 2018.
Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân đối với Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân thành phố; tiếp tục chất vấn đối với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Thành ủy, Hội đồng Nhân dân , Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua.
Qua nghe các báo cáo tại kỳ họp, cùng với việc theo dõi từng bước phát triển của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu, đi đầu, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống "văn hiến-anh hùng-hòa bình-hữu nghị" của dân tộc Việt Nam, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đất nước ta đang có nhiều cơ hội thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 còn rất nặng nề. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 6,7% đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương.
Riêng đối với thành phố Hà Nội, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, nhất là chỉ tiêu tăng trường cả năm từ 8,5- 9%, trong 6 tháng cuối năm phải tăng trên 9,5%. Chủ tịch Quốc hội tán thành với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã nêu trong báo cáo và đề nghị thành phố trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung.
Trước hết, Hà Nội cần tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại kỳ họp này, các đại biểu Hội đồng nhân dân cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cấp ngành, cơ quan, đơn vị trước những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ rõ trong báo cáo, thảo luận; có giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để có cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát triển, nhất là thực hiện cơ chế đặc thù của Hà Nội đã được thông qua…
Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ cương trong quản lý đô thị; tăng cường công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị; xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặt biệt tại các khu chung cư cao tầng, khu tái định cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề…
Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tổ chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng; đề cao trách nhiệm, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hà Nội cần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng; tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý cho chính quyền và người dân; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền của mỗi tổ chức, cá nhân để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Hà Nội cần tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tập trung vào 3 chỉ số yếu kém: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân.
Tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, tập trung vào 5 chỉ số: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, môi trường cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của chính quyền thành phố.
Đồng thời, Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố, có những nghị quyết mang tính lâu dài, tác động nhiều đến đời sống xã hội, được cử tri cả nước quan tâm, như: Nghị quyết về Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017- 2021, tầm nhìn đến 2030…
Trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban, các Tổ của Hội đồng nhân dân; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân; quan tâm tới việc chọn nguồn, đào tạo cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban nhân dân thành phố trên các lĩnh vực hoạt động như: Công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp; tiến hành kỳ họp, xây dựng và thông qua các nghị quyết; triển khai nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; hoạt động giám sát, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri…
Hội đồng nhân dân thành phố cần phối hợp tốt với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoạt động, tạo sự kết nối giữa Trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội là kỳ họp quan trọng, là dịp để thành phố Hà Nội nhìn lại những gì đã làm được, chưa làm được trong 6 tháng đầu năm 2017, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyết tâm phấn đấu xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, trong một năm qua, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và Hội đồng Nhân dân các cấp đã nỗ lực, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động, phát huy vai trò cơ quan chính quyền Nhà nước ở địa phương; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, 8 chương trình công tác lớn của thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020 để cụ thể hóa bằng nghị quyết Hội đồng Nhân dân với những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ những kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chỉ rõ: việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng đầu năm nay của thành phố còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, đó là: xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội giảm 8 bậc so với năm 2015 và đang đứng ở vị trí thấp (58/63) trong các địa phương cả nước.
Ngoài ra, tình hình cháy, nổ còn tiếp diễn, chứa đựng nhiều rủi ro; một số vụ việc phức tạp ở cơ sở cần tập trung giải quyết… Đặc biệt, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm của thành phố từ 8,5-9%, 6 tháng cuối năm nay, Hà Nội phải phấn đấu mức tăng trên 9,5%. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải hết sức cố gắng và nỗ lực.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thảo luận thấu đáo các nhiệm vụ, giải pháp khả thi, với mong muốn thành phố sẽ sớm khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ năm nay.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát lạm phát.
Minh chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp 14/63 tỉnh, thành phố (cao nhất từ trước tới nay); chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy mạnh; công tác quản lý đô thị được tăng cường, diện mạo Thủ đô ngày một đẹp hơn, khang trang hơn theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.../.