Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều vụ việc vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Thậm chí có trường hợp chống đối người đang làm nhiệm vụ với thái độ rất tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.
Ngay từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, công điện của Ủy ban Nhân dân thành phố, lực lượng chức năng của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện quy định phòng, chống dịch, trong đó có việc kiểm soát việc cấp và sử dụng giấy đi đường.
Thực tế, trong thời gian này số người ra đường đã giảm hẳn, đa số người dân ra đường đều có giấy đi đường hợp lệ. Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng người dân lơ là, chủ quan, cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
[Hà Nội triển khai phần mềm khai báo y tế tại các chốt phòng dịch]
Trong đợt giãn cách thứ ba, ghi nhận tại một số chốt kiểm soát phòng, chống dịch, các lỗi vi phạm của người dân chủ yếu là không đeo khẩu trang, không thực hiện biện pháp cách ly, ra khỏi nhà khi không có lý do cấp thiết…
Đặc biệt, còn có tình trạng làm giả giấy đi đường, cấp giấy đi đường tràn lan, không đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp chủ quan, lơ là, coi thường sự lây lan của dịch bệnh, ở nhà lâu ngày thấy gò bó nên ra ngoài, tìm cách trốn các chốt kiểm dịch để tập thể dục, đi chơi, tụ tập bạn bè, ăn nhậu.
Cũng theo quan sát của phóng viên, một số tuyến đường tại Hà Nội vẫn đông người đi lại, không đảm bảo giãn cách theo quy định. Một số cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu cố tình hoạt động.
Trong khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, có ngày số ca mắc mới trên cả nước lên đến hơn 12.000 người, tại Hà Nội, số ca mắc mới mỗi ngày cũng dao động từ vài chục đến gần 100 trường hợp, thì việc vi phạm quy định giãn cách xã hội là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Để kiểm soát chặt tình trạng người ra đường không có giấy tờ đúng quy định, không có lý do cấp thiết, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai một Tổ công tác đặc biệt (mô hình hoạt động như 6 tổ liên quân của Công an thành phố) để kiểm soát 100% người lưu thông trên toàn địa bàn quận. Đây là mô hình đầu tiên của Công an quận Hoàn Kiếm được triển khai trong khu vực nội đô.
Tổ công tác đặc biệt này hoạt động linh hoạt trên nhiều tuyến phố cổ, bám sát từng địa bàn. Khi hoạt động ở địa bàn nào, Công an phường sở tại có trách nhiệm thông báo cho cán bộ Ủy ban Nhân dân phường phối hợp cùng để đảm bảo việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, Tổ công tác sẽ chụp ảnh giấy đi đường của từng trường hợp kèm theo để báo cáo đề xuất siết chặt việc quản lý giấy đi đường trong thời gian tới.
Theo Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Tổ công tác này có nhiệm vụ nắm tình hình các tuyến, địa bàn còn tập trung đông người, đông phương tiện tham gia lưu thông để đặt chốt chặn cho hiệu quả.
Tại các chốt chặn, Tổ công tác đặc biệt đã phát hiện nhiều trường hợp ra đường với những lý do không chính đáng như đi chợ, đưa thực phẩm cho người thân ở phố khác… không chấp hành đúng quy định về phòng, chống dịch đã được Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành.
Bà Phan Bích Thủy (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) cho biết bà hoàn toàn ủng hộ cách làm của Tổ công tác đặc biệt vì có như vậy mới dần dần kiểm soát được dịch, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Bày tỏ sự đồng tình, anh Bùi Văn Tiến Dũng (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) cũng cho rằng cần làm chặt việc kiểm soát giấy đi đường mới có thể hạn chế được người ra đường không có lý do cấp thiết. Đây cũng là một cách để sớm chấm dứt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đối phó với dịch COVID-19, thời gian qua, người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng đã đồng lòng cùng Chính phủ bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể đầy ý nghĩa.
Không chỉ lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tại các vùng dịch, cứu chữa bệnh nhân, bảo vệ sự bình yên trên từng tuyến đường, con phố mà còn có nhiều tổ chức, cá nhân đã không quản ngại khó khăn, phát huy tinh thần xung kích, chủ động thực hiện mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tất cả đều chung một mục đích chung tay phòng, chống dịch, bảo vệ xã hội an toàn.
Để làm được điều đó, bên cạnh những giải pháp quyết liệt của chính quyền, các mô hình sáng tạo như Tổ công tác đặc biệt của quận Hoàn Kiếm trong thời gian qua thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, hạn chế nhu cầu cá nhân, góp phần cùng Chính phủ, lực lượng chức năng chặn đứng nguồn lây của dịch.
Đối với trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch, lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm; đồng thời, thông tin rộng rãi về những trường hợp này, gửi thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương cư trú của cá nhân vi phạm./.
Tình hình dịch bệnh đến trưa 27/8: Hà Nội: - Số ca nhiễm: 3.417 Trong đó số ca từ thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 (24/7) là 2.209 Toàn quốc: - Số ca nhiễm: 392.938 |