Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin xây dựng trên đất rừng ở Thạch Thất

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ thông tin một số công trình xây dựng trên đất rừng tại Thạch Thất.
Công ty cổ phần du lịch KOVA. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Công ty cổ phần du lịch KOVA. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Gần đây dư luận đề cập đến việc có hay không việc một số công trình vi phạm trật tự xây dựng, phá rừng, khai thác rừng trong quá trình triển khai dự án du lịch Thác Bạc-Suối Sao tại địa bàn xã Yên Trung và Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội) do Công ty cổ phần du lịch KOVA làm chủ đầu tư.

Để làm rõ vấn đề này, mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản 1529/UBND-TKBT yêu cầu Giám đốc các sở Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ thông tin, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm (nếu có), theo đúng thẩm quyền của pháp luật; báo cáo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố kết quả kiểm tra xử lý trước ngày 20/5/2019.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường chức năng quản lý nhà nước theo quy định; tiến hành phúc tra kết quả kiểm tra, xử lý của Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất theo đúng quy định. 

Dự án Khu du lịch Thác Bạc-Suối Sao, được cấp phép giai đoạn 1 từ năm 2002, thời điểm xã Yên Trung và xã Yên Bình còn thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Đây là dự án trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp khai thác du lịch sinh thái; trong đó, giai đoạn 1 của dự án có quy mô khoảng 59ha đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 6/2007.

Trước khi sáp nhập về Hà Nội, ngày 1/7/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu du lịch Thác Bạc-Suối Sao, với tổng diện tích 233ha đất rừng sản xuất tại 2 xã Yên Trung và Yên Bình.

Đến ngày 21/3/2017, dự án được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư tại Văn bản số 1819/QĐ-UBND, trong đó, quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 85,1 ha (gồm 59,2 ha đất thuộc giai đoạn 1 và 25,9 ha giai đoạn 2, chủ yếu đất rừng sản xuất do Ủy ban Nhân dân các xã Yên Trung, Yên Bình quản lý, các hộ dân đang sử dụng); 147ha là phần diện tích phát triển rừng giữ nguyên không xây dựng, giao cho các hộ dân tiếp tục quản lý, sử dụng.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 1.207,8 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

[Bắt đầu cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng trên rừng Sóc Sơn]

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, hiện nay, giai đoạn 2 của dự án chưa triển khai xây dựng mà vẫn đang chờ khớp nối với quy hoạch chung Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Hiện, phía công ty đã liên hệ với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Viện Quy hoạch và Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố để hoàn thiện quy hoạch cũng như các thủ tục liên quan đến đất.

Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin xây dựng trên đất rừng ở Thạch Thất ảnh 1Công trình nhà vệ sinh xây dựng không phép của Công ty cổ phần du lịch KOVA. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Song có một thực tế tồn tại ở dự án này là trong khi chờ khớp nối quy hoạch, chủ đầu tư đã tiến hành cải tạo lại một số hạng mục khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép. Việc này đã được Ủy ban Nhân dân xã, huyện lập hồ sơ xử lý và đình chỉ thi công.

Ghi nhận thực tế, dự án nằm cạnh tỉnh lộ 446, biệt lập với khu dân cư, xung quanh là cây xanh, cây rừng. Hiện, dự án có hàng chục hạng mục đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 2007 (giai đoạn 1).

Đáng chú ý, có 2 hạng mục xây mới với kết cấu vật liệu ximăng, sắt, gỗ, được thiết kế 1 tầng, lợp ngói đỏ có diện tích vài chục m2, dùng làm nhà vệ sinh và nhà bảo vệ cho dự án, trên nền sân, hạ tầng cũ của giai đoạn 1.

Theo lý giải của Công ty cổ phần Du lịch KOVA, một số hạng mục được đầu tư từ năm 2002-2007, đến nay đã xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng nên công ty đã tiến hành cải tạo lại. Còn hạng mục được xây mới là xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người lao động trong quá trình quản lý bảo vệ rừng.

Công ty này cũng thừa nhận những hạng mục cải tạo, sửa chữa trong dự án chưa xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền và cam kết thực hiện nghiêm túc dừng thi công, chờ kết luận cuối cùng của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tới đây về việc xử lý vi phạm. 

Còn về việc có hay không dự án phá rừng, khai thác rừng trong quá trình xây dựng, ngày 19/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã có văn bản 1135/SNN-KL về việc chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng của Công ty cổ phần du lịch KOVA tại xã Yên Trung và Yên Bình.

Kết quả kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Sơn Tây (Chi cục Kiểm lâm) cho thấy tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện hành vi phá rừng và khai thác rừng trái phép của công ty.

Tại văn bản trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đề nghị các phòng, ban chuyên môn huyện Thạch Thất và hai xã Yên Trung, Yên Bình tiến hành kiểm tra các hạng mục công trình xây dựng của công ty đảm bảo diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sở chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Về phía chính quyền, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất cũng khẳng định việc Công ty cổ phần du lịch KOVA xây dựng mới và cải tạo sửa chữa một số công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân huyện đã yêu cầu công ty dừng mọi hoạt động xây dựng, sửa chữa, thu dọn vật liệu xây dựng, tự giác khắc phục hậu quả.

Huyện đã chỉ đạo công ty liên hệ với các sở, ngành của thành phố để thực hiện các bước tiếp theo của dự án theo đúng trình tự pháp luật.

Lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết thêm địa phương đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ nên trên thực tế đã xuất hiện một số công trình xây dựng không phép, sai phép.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nắm rõ lợi ích và trách nhiệm trong việc cấp giấy phép xây dựng khi tiến hành xây dựng công trình.

Đặc biệt, do Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện mới được thành lập thí điểm nên việc phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý vi phạm còn nhiều vướng mắc.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, để từng bước chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý trật tự xây dựng và sử dụng đất đai, địa phương đang chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh kiểm tra kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm.

Mặt khác, huyện cũng đề nghị Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Sở Xây dựng thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, cấp phép để nâng cao trình độ chuyên môn trong quản lý thẩm định các đồ án quy hoạch theo thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục