Hà Tĩnh: Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp lần thứ tư

Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần này với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất, trồng trọt trong tỉnh với 100 gian hàng trưng bày.
Người dân lựa chọn mua cam tại lễ hội. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Chiều 18/12, tại Trung tâm Thương mại Vincom thành phố Hà Tĩnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp lần thứ tư.

Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần này với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất, trồng trọt trong tỉnh với 100 gian hàng trưng bày. Đặc biệt lễ hội lần này còn có sự tham gia các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Hà Giang.

Theo thống kê tỉnh Hà Tĩnh trồng hơn 11.000ha cây có múi; trong đó có khoảng 7.500ha cam, hơn 3.600ha bưởi sản lượng ước đạt 85.000 tấn/năm. Cây ăn quả ở Hà Tĩnh đã có thương hiệu và trở thành cây hàng hóa như bưởi Phúc Trạch, Cam bù Hương Sơn, Cam chanh Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên…

Người tiêu dùng đã quen với đặc sản cam bù chủ yếu trồng ở huyện Hương Sơn và một số xã ở huyện Vũ Quang với tổng diện tích hơn 1.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 400ha. Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đã có 157 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó có 7 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 150 sản phẩm đạt 3 sao.

[Cam bù: Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng núi Hương Sơn]

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định lễ hội nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất và các nhà phân phối, các siêu thị, các đại lý hợp tác liên kết kinh doanh, thiết lập nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm. Hà Tĩnh khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP là hướng đi đúng đắn, bền vững tạo thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây Hà Tĩnh đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là đối với cây cam đây là hướng đi phù hợp phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của vùng. Tỉnh Hà Tĩnh đã có các chính sách phù hợp đẻ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thực hiện cải tạo vườn tạp thay thế cây gỗ nguyên liệu có giá trị kinh tế thấp bằng các loại cây ăn quả có múi.

Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây ăn quả có múi xem đây là những sản phẩm chủ lực, mũi đột phá phát triển nông nghiệp.

Tại lễ hội lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trao chứng nhận cho các cơ sở, đơn vị đạt chuẩn OCOP. Lễ hội sẽ diễn ra từ nay đến ngày 23/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục