Hạ viện Italy thông qua dự luật cải cách thị trường vốn nhiều tranh cãi

Dự luật cải cách thị trường vốn, bao gồm các biện pháp mang lại cho các nhà đầu tư dài hạn nhiều phiếu bầu hơn trên mỗi cổ phiếu, hiện được chuyển tới Thượng viện để chính thức thông qua.

Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Italy ở Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Italy ở Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/2, Hạ viện Italy đã thông qua dự luật cải cách thị trường vốn, bao gồm một sự thay đổi gây tranh cãi trong cách bổ nhiệm hội đồng quản trị của các công ty niêm yết, bất chấp sự phản đối gay gắt từ các nhà đầu tư quốc tế.

Dự luật, bao gồm các biện pháp mang lại cho các nhà đầu tư dài hạn nhiều phiếu bầu hơn trên mỗi cổ phiếu, hiện được chuyển tới Thượng viện để chính thức thông qua.

Mục tiêu của dự luật thị trường vốn mới là nhằm thu hút nhiều cổ phiếu niêm yết hơn đến Italy và bảo vệ các công ty gia đình khỏi sự tiếp quản mang tính "thù địch."

Dự luật cũng cố gắng thuyết phục một số công ty đã chuyển văn phòng đăng ký sang Hà Lan quay trở lại Italy. Trong số các công ty đã làm như vậy có Stellantis NV và Ferrari NV.

Tuy nhiên, phần gây tranh cãi nhất của dự luật là các biện pháp liên quan đến việc bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, theo đó sẽ không còn tự động cho phép các thành viên hội đồng quản trị sắp mãn nhiệm có quyền tự đề cử hoặc tái tranh cử.

Đây là thông lệ trong nhiều năm tại Italy, bao gồm cả ở nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm như Assicurazioni Generali, UniCredit và Mediobanca.

Trong khi chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni ca ngợi các quy định mới, được chính phủ bổ sung vào phút cuối, là cách tốt nhất để ngăn chặn các thành viên hội đồng quản trị được tái bổ nhiệm vô thời hạn, các đảng đối lập đã bỏ phiếu trắng.

Hạ nghị sỹ Bruno Tabacci cho rằng những bổ sung “là những nội dung xa lạ đối với dự luật này, sẽ hợp lý hơn nếu loại bỏ chúng.”

Các nhà đầu tư quốc tế, cũng như các đảng đối lập ở Rome, đã lên tiếng phản đối các đề xuất mà họ cảnh báo rằng sẽ “khó được thị trường chấp nhận” và có nguy cơ “làm các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi.”

Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp ảnh hưởng đến quản trị doanh nghiệp sẽ làm lu mờ lợi ích của việc cải cách thị trường vốn trên diện rộng.

Hội đồng quản trị tại Italy, bao gồm cả giám đốc điều hành, thường có nhiệm kỳ 3 năm. Khi kết thúc nhiệm kỳ, các cổ đông có thể đề cử một nhóm ứng cử viên mới cho nhiệm kỳ tiếp theo hoặc hội đồng quản trị sắp mãn nhiệm có quyền lựa chọn thực hiện việc này, bao gồm cả việc đề cử lại ban quản lý cũ.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư địa phương, chẳng hạn như Francesco Gaetano Caltagirone, một ông trùm xây dựng và là nhà đầu tư lớn ở Mediobanca và Generali, đã công khai phàn nàn rằng ban giám đốc nắm giữ quá nhiều quyền lực và cho rằng khả năng tái bổ nhiệm của họ nên bị pháp luật hạn chế.

Dự luật mới thay đổi các quy định của công ty về cách bổ nhiệm hội đồng quản trị, mang lại lợi thế cho các nhà đầu tư dài hạn với số cổ phần trên 9% so với các cổ đông khác.

Theo các quy định mới, nếu một nhà đầu tư thiểu số có cổ phần từ 9% trở lên đưa ra danh sách đề cử hội đồng quản trị, thì ban giám đốc sắp mãn nhiệm sẽ bị cấm đưa ra danh sách đề cử của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.