Hạ viện Nga thông qua Hiệp định Liên minh Kinh tế Âu - Á

Hiệp định thành lập Liên minh kinh tế Âu- Á sẽ giúp khởi động mối quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế nội khối.
Hạ viện Nga thông qua Hiệp định Liên minh Kinh tế Âu - Á ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Duma quốc gia Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với 441 phiếu ủng hộ, ngày 26/9, Duma Quốc gia (Hạ Viện) Nga đã thông qua hiệp định thành lập Liên minh kinh tế Âu- Á (EAEC), được các tổng thống Nga, Belarus và Kazakhstan ký hồi tháng Năm vừa qua.

Hiệp định EAEC - văn kiện cơ bản xác định thỏa thuận giữa Nga, Belarus và Kazakhstan về chuyển đổi sang giai đoạn hội nhập tiếp theo sau Liên minh Hải quan (CU) và Không gian Kinh tế chung (CES) - được ký ngày 29/5 vừa qua tại Astana (Kazakhstan).

Thỏa thuận này hình thành thị trường chung lớn nhất trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) với 170 triệu dân, vốn sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế mạnh mẽ mới.

Theo kế hoạch, hiệp định có hiệu lực từ năm 2015, sẽ giúp khởi động mối quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế nội khối, tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước và củng cố vai trò của liên minh trong hệ thống kinh tế thế giới.

Hiệp định dày 600 trang, gồm hai phần. Phần đầu quy định các nhiệm vụ và mục đích của hội nhập Âu - Á, quy chế của liên minh như một tổ chức quốc tế hoàn chỉnh; phần sau đề cập tới chức năng, các cơ chế hợp tác kinh tế và xác định những trách nhiệm cụ thể theo lĩnh vực hợp tác.

Trụ sở của Ủy ban Âu - Á được đặt tại Moskva (Nga), Tòa án EAEC đặt tại Minsk (Belarus) và Cơ quan Quản lý tài chính đặt tại Alma-Ata (Kazakhstan). Tài liệu ghi nhận hội nhập Âu - Á là một trong những yếu tố quan trọng nhất không thể không tính đến của nền kinh tế và địa chính trị đương đại.

Chủ tịch Ủy ban Hội nhập Âu - Á của Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Slutsky thuộc đảng Dân chủ tự do - LDPR, cho biết Hiệp định EAEC sẽ được tất các các bên thông qua trước hội nghị cấp cao 3 nước dự kiến diễn ra vào ngày 9/10. Theo ông Slutsky, Quốc hội Kazakhstan có kế hoạch xem xét hiệp định vào ngày 1/10 còn Quốc hội Belarus ngày 7/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.