Hạ viện Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi

Hệ thống mới giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm.
Một phiên họp Quốc hội Pháp ở Paris. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một phiên họp Quốc hội Pháp ở Paris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/3, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách hệ thống lương hưu gây tranh cãi của nước này, mở đường cho một trong những kế hoạch cải cách mà Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt trong nước.

Theo kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước.

Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm.

Chính phủ Pháp cho rằng việc hủy bỏ cơ chế lương hưu gồm 42 mức hiện nay vốn cho phép nghỉ hưu sớm và các lợi ích khác chủ yếu cho những người làm việc trong khu vực công, và thay thế bằng kế hoạch cải cách trên sẽ công bằng hơn và chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách nhiều năm qua.

[Pháp: Tiếp tục biểu tình quy mô lớn phản đối cải cách hưu trí]

Một ủy ban trong Chính phủ Pháp năm ngoái ước tính thâm hụt ngân sách có thể lên đến 17 tỷ euro (khoảng 19 tỷ USD) vào năm 2025 nếu không có các biện pháp cải cách. Trong khi đó, các nghiệp đoàn và các phe đối lập lại chỉ trích những cải cách trên.

Điểm mấu chốt phía người lao động chưa hài lòng là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công).

Ngoài ra, các nghiệp đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động trong các ngành nghề khác nhau ở Pháp cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động.

Do đó, giới lãnh đạo các nghiệp đoàn thời gian qua đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn và dài nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Pháp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nước này.

Dự luật trên sẽ được gửi lên Thượng viện Pháp, nơi dự kiến cũng sẽ vấp phải sự phản đối trước khi được trình lên quốc hội phê chuẩn lần cuối.

Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Macron cam kết tiến hành những cải cách triệt để hệ thống lương hưu của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.