Hạ viện Thụy Sĩ bảo vệ chính sách bảo mật ngân hàng

Hạ viện Thụy Sĩ đã bác bỏ dự luật cho phép tiết lộ thông tin của khách hàng Mỹ có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ cho Mỹ.
Với 126 phiếu chống, 67 phiếu thuận và hai phiếu trắng, Hạ viện Thụy Sĩ ngày 18/6 đã bác bỏ dự luật cho phép tiết lộ thông tin của khách hàng Mỹ có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ cho Chính phủ Mỹ.

Đây là lần thứ hai Hạ viện Thụy Sĩ từ chối tổ chức cuộc tranh luận khẩn cấp về thỏa thuận cho phép các ngân hàng Thụy Sĩ tiết lộ thông tin khách hàng - những người bị nghi ngờ trốn thuế - với Mỹ, thỏa thuận mà Washington yêu cầu phải có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Thỏa thuận này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cho phép các ngân hàng Thụy Sĩ tránh được nguy cơ đối diện với một loạt vụ kiện cáo ở Mỹ, cũng như không bị "cấm cửa" vào thị trường lớn và "béo bở" của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu không được Quốc hội bật đèn xanh, thì việc tiết lộ danh tính của các khách hàng Mỹ sẽ vi phạm luật bảo mật ngân hàng của Thụy Sĩ.

Kết quả trên đã không tránh khỏi việc khiến cho Nội các và Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf thất vọng.

Bộ trưởng Widmer-Schlumpf đã cảnh báo rằng việc phản đối dự luật này có thể dẫn đến tình huống khó khăn, và làm xói mòn danh tiếng là trung tâm tài chính của Thụy Sĩ.

Ước tính các ngân hàng Thụy Sỹ hiện nắm giữ các tài khoản trị giá nhiều tỷ USD của các công dân Mỹ.

Những người thuộc diện giàu có này đã không kê khai tài sản với các cơ quan thuế trong nước và thay vào đó gửi tiền vào các ngân hàng ở "xứ sở đồng hồ."

Chính sách bảo mật thông tin khách hàng đã đưa Thụy Sĩ trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới đồng thời cũng là một trong những "thiên đường trốn thuế" lớn nhất. Nước này hiện đứng đầu danh sách Chỉ số bí mật tài chính 2011.

Thụy Sĩ đang nắm giữ 1/3 số tài sản cá nhân ở nước ngoài trên toàn thế giới, tương đương khoảng 2.000 tỷ USD. Lĩnh vực tài chính của Thụy Sĩ là nơi trú ẩn của các khách hàng gửi tiền nước ngoài trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây khủng hoảng tài chính đã khiến thế giới chú ý tới vấn đề trốn thuế, nhất là đối với các công dân Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ gửi tiền ở những nơi ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách của nước họ.

Cho đến nay, Thụy Sĩ vẫn kiên quyết bảo vệ nguyên tắc bí mật ngân hàng. Tuy chịu nhượng bộ về một số điểm, nhưng Thụy Sỹ vẫn giữ quan điểm không cung cấp tự động thông tin của các khách hàng có tài khoản tại các ngân hàng nước này.

Chính phủ Thụy Sĩ đầu tuần này bày tỏ mong muốn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận toàn cầu về trao đổi thông tin của các khách hàng gửi tiền ở các ngân hàng nước ngoài.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Thụy Sỹ nói rằng việc trao đổi thông tin phục vụ các mục đích về thuế là cần thiết cho "tiêu chuẩn toàn cầu" và cơ quan phù hợp nhất đứng ra dàn xếp việc này chính là OECD gồm 34 nước thành viên.

Bộ trưởng Widmer-Schlumpf cho biết chính phủ nước này chỉ có thể bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với EU vào mùa Thu và sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn toàn cầu về việc trao đổi tự động các dữ liệu liên quan đến thuế tại OECD.

EU đã đề nghị Thụy Sĩ mở các cuộc đàm phán liên quan đến việc cập nhật thỏa thuận hồi năm 2005 về đánh thuế tiền gửi của các công dân EU tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ đồng thời kêu gọi Thụy Sĩ nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán vô điều kiện về việc áp dụng cơ chế tự động trao đổi thông tin ngân hàng, nhằm dẹp yên tình trạng trốn thuế của những người nước ngoài mở tài khoản tại nước này./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.