Hai định hướng chính sách kinh tế của Thái Lan trong năm 2021

Ngoài việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Thái Lan phải tái cấu trúc nền kinh tế vào năm 2021, với trọng tâm là tái cấu trúc tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, xe điện và công nghiệp thực phẩm.
Hai định hướng chính sách kinh tế của Thái Lan trong năm 2021 ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Phuket, Thái Lan, ngày 13/9/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phó Thủ tướng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow vừa cho biết hai định hướng chính của các chính sách kinh tế trong năm tới của quốc gia Đông Nam Á này là duy trì tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Supattanapong nhận định việc duy trì tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 3,5-4% là rất quan trọng. Chính phủ Thái Lan dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi từ mức giảm GDP dự kiến 6% của năm nay trong vòng 12-18 tháng tới.

Bên cạnh dự trữ vốn được phân bổ từ sắc lệnh cho phép vay khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ baht (khoảng 33 tỷ USD), chính sách tài khóa sẽ được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Ông Supattanapong cho biết mức độ thực thi chính sách tài khóa sẽ phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế hàng quý.

Theo Phó Thủ tướng Supattanapong, nếu làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát và Thái Lan phải đối mặt với một đợt phong tỏa khác thì dự báo tăng trưởng sẽ phải được điều chỉnh lại.

Ngoài việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Thái Lan cần phải tái cấu trúc nền kinh tế vào năm 2021, với trọng tâm là tái cấu trúc tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, xe điện và phát triển công nghiệp thực phẩm.

[Thái Lan công bố kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển kinh tế số]

Truyền thông sở tại ngày 5/12 dẫn lời ông Supattanapong nhận định chiến tranh thương mại và đại dịch đã khiến các nhà sản xuất toàn cầu thay đổi suy nghĩ khi họ thích sản xuất các sản phẩm đủ tiêu dùng trong nước hơn là để xuất khẩu.

Với tư duy này, các nhà sản xuất từ những nước đang nổi lên như Indonesia và Việt Nam có thể chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Thái Lan.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan muốn thấy có đầu tư vào các ngành công nghiệp mới hơn là những ngành công nghiệp truyền thống sử dụng nhiều lao động.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) Sethaput Suthiwartnarueput cho biết các gói kích thích là cần thiết để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế vào năm 2021, trong khi BoT nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế phải tương thích với xây dựng ổn định tài chính.

Ông Sethaput cho rằng trong bối cảnh kinh tế phục hồi không đồng đều, Chính phủ Thái Lan cần duy trì các biện pháp kích cho đến ít nhất là nửa đầu năm 2021.

Thống đốc BoT dự báo trong năm 2021, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ tiếp tục cải thiện nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, BoT vẫn lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và các điều kiện mong manh trên thị trường lao động.

Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể tốt hơn dự báo hiện tại sau khi các điều kiện kinh tế chạm đáy trong quý 2/2020 và xuất hiện các dấu hiệu cải trong quý 3.

BoT ước tính rằng GDP của Thái Lan sẽ giảm 7,8% trong năm 2020 và phục hồi tăng trưởng 3,6% trong năm tới, với giả định rằng lượng khách du lịch nước ngoài sẽ đạt 9 triệu lượt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.