Hải Dương chính thức tiếp quản Khu công nghiệp Lai Vu

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức bàn giao Khu công nghiệp Lai Vu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tỉnh Hải Dương quản lý.

Chiều 27/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức bàn giao Khu công nghiệp Lai Vu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tỉnh Hải Dương quản lý.

Theo biên bản, bàn giao nguyên trạng toàn bộ Khu công nghiệp Lai Vu (gồm cả Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu) từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tỉnh Hải Dương quản lý, không thực hiện định giá tài sản bàn giao. Tổng tài sản tại thời điểm bàn giao đến hết ngày 15/5 là trên 600 tỷ đồng.

Cụ thể, ghi giảm Quỹ Đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam số tiền đã đầu tư vào Khu công nghiệp Lai Vu tính đến thời điểm ngày 15/5 là trên 593 tỷ đồng. Đồng thời, ghi tăng vốn ngân sách nhà nước cấp cho tỉnh Hải Dương tương ứng với số tiền ghi giảm Quỹ Đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí, cấp vốn điều lệ cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu trên 47,8 tỷ đồng.

Công nợ phải thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Khu công nghiệp Lai Vu trên 545,2 tỷ đồng. Bàn giao nguyên trạng hạ tầng Khu công nghiệp Lai Vu gồm các dự án hạ tầng Khu công nghiệp Lai Vu, năm dự án do Công ty Lai Vu được giao làm chủ đầu tư, khu văn phòng thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương cùng 13 hợp đồng cho thuê đất và cho thuê lại đất.

Cũng theo biên bản bàn giao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xử lý số tiền trên 108 tỷ đồng gồm tiền lỗ lũy kế của Công ty Lai Vu trên 18 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá hối đoái trên 89 tỷ đồng tồn tại từ thời kỳ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Tại lễ bàn giao, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hy vọng với việc chuyển giao này, khu công nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn đóng góp cho Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để công ty Lai Vu tiếp tục thực hiện tốt công việc sau chuyển giao.

Trước mắt tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tiên là Công ty May Tinh Lợi đi vào hoạt động dự kiến tháng 8/2014, làm tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp khác đầu tư vào Khu công nghiệp, để Khu công nghiệp sẽ khởi sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.