Hải Dương: Liên hoan Pháo đất quy tụ 210 pháo thủ

Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương quy tụ 210 pháo thủ đến từ 7 đội thi là Nghĩa An, Ứng Hòe, An Đức (huyện Ninh Giang), Quang Khải, Minh Đức, Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) và Đức Xương (huyện Gia Lộc).

Các pháo thủ làm pháo. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Các pháo thủ làm pháo. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ngày 25/2, Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ XI năm 2024 đã diễn ra tại sân đá chùa Côn Sơn thuộc Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) trong sự reo hò cổ vũ đầy phấn khích của hàng nghìn người dân và du khách.

Liên hoan quy tụ 210 pháo thủ đến từ 7 đội thi là Nghĩa An, Ứng Hòe, An Đức (huyện Ninh Giang), Quang Khải, Minh Đức, Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) và Đức Xương (huyện Gia Lộc). Đây là những địa phương có truyền thống pháo đất từ nhiều đời nay của tỉnh Hải Dương.

Theo thể lệ, mỗi đội pháo đại gồm 27 pháo thủ chính thức và 3 pháo thủ dự bị; mỗi đội pháo tiểu gồm 24 pháo thủ chính thức, 6 pháo thủ dự bị.

Trong thời gian thi đấu 45 phút, mỗi đội thi đấu 3 dây pháo, mỗi dây chỉ được gieo 27 pháo/27 pháo thủ (pháo đại), 24 pháo/24 pháo thủ (pháo tiểu). Mỗi pháo thủ chỉ được gieo một lần của 1 dây pháo. Mỗi quả pháo tiểu có trọng lượng dưới 35kg đất. Mỗi quả pháo đại có trọng lượng trung bình 75kg, có quả gần 100kg.

Mỗi quả pháo sẽ được các pháo thủ nâng lên, sau đó 1 pháo thủ chính sẽ gieo xuống đất. Pháo gieo xuống bàn pháo phải ra từ 2 thước trở lên (mỗi thước là 40cm) tính ở 2 đầu mép ngoài của manh pháo mới được tính là pháo ra và được đo.

Nếu pháo bị rạn, vỡ, nứt do bất kỳ nguyên nhân nào mà muốn phá pháo thì phải phá trên tay người gieo, còn nếu đã gieo xuống bàn pháo rồi mới phá, coi như chiếc pháo đó đã gieo.

Sau mỗi dây pháo, đội nào có số thước đo cao nhất và cao hơn từ 20 thước trở lên so với đội kế tiếp, đội đó được tính nhất dây pháo đó. Trường hợp 2 hoặc 3 đội có cùng số thước ngang nhau hoặc hơn nhau không quá 2 thước thì các đội này đạt giải thưởng như nhau.

Kết quả, nội dung pháo tiểu, giải nhất thuộc về đội pháo xã Đức Xương (huyện Gia Lộc) với tổng số 413,1 thước. Nội dung pháo đại, đội pháo xã Nghĩa An (huyện Ninh Giang) giành giải nhất với tổng số 572,4 thước. Giải pháo thủ dài dây nhất thuộc về pháo thủ Phạm Quang Giám (đội pháo xã Nghĩa An) đạt 28,5 thước.

Pháo đất là trò chơi dân gian lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ. Ở Hải Dương, đến nay, trò chơi dân gian này vẫn được giữ gìn và phát huy tại nhiều xã của các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ.

Hằng năm, từ tháng Giêng tới tháng Tư âm lịch, nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương tổ chức thi pháo đất và đây là ngày hội được người dân các làng, xã háo hức mong đợi, là dịp tạo nên khí thế vui tươi ở các hội làng. Từ các hội thi này, những đội tuyển tiêu biểu nhất được lựa chọn đại diện cho xã tham dự Liên hoan Pháo đất cấp tỉnh.

ttxvn_phao dat 2.jpg
Pháo đất sau khi gieo sẽ bung dây ra và trọng tài sẽ đo độ dài của dây để xác định thắng, thua. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Theo pháo thủ Nguyễn Đình Minh, đội pháo xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang, anh đã tham gia Liên hoan Pháo đất 3 năm liên tiếp. Anh đam mê trò chơi này từ bé và chịu khó học hỏi từ những người đi trước.

Anh Minh chia sẻ trong đội pháo thủ của Nghĩa An tham gia liên hoan năm nay, pháo thủ trẻ nhất 25 tuổi và lớn tuổi nhất năm nay 60 tuổi. Được tham dự liên hoan pháo đất, anh Minh rất vui vì theo anh, trò chơi này có đặc điểm rèn luyện cho mọi người tinh thần đoàn kết và chung tay gìn giữ một nét đẹp văn hóa của ông cha để lại.

Anh Minh cũng như nhiều pháo thủ đều cho rằng trò chơi này bắt buộc phải có tính đoàn kết và bí quyết để gieo được quả pháo chất lượng đòi hỏi cả yếu tố sức khỏe và kỹ thuật điêu luyện của các pháo thủ. Pháo thủ phải vừa là người có sức khỏe tốt vừa phải khéo léo và người rành rẽ về luật lệ thi đấu. Kỹ thuật nhào đất, kỹ thuật nặn pháo, nâng pháo và gieo pháo. Nguyên liệu cần đảm bảo là đất thịt ở khu đồng triều được chọn lọc kỹ lưỡng.

Sau khi được loại bỏ cỏ rác, tạp chất, đất được xử lý khoảng 1 tuần trước khi sử dụng. Một trong những lưu ý khi bảo quản đất là bọc vào túi nylon để nước trong đất không bị bốc hơi, giữ được độ dẻo mịn.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Trường Thắng, về nguồn gốc ra đời của trò chơi dân gian độc đáo này, có nhiều tư liệu khác nhau nhưng có 2 truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi.

Tương truyền, trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông năm 1288, nhân dân đã ném đất xuống khúc sông Hóa tiếp giáp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình để cứu voi chiến của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Truyền thuyết thứ hai là pháo đất có từ thời Hai Bà Trưng, những năm 40, khi nữ tướng Lê Chân cùng binh sĩ dùng pháo đất tạo tiếng động lớn để nghi binh khi đánh giặc Đông Hán xâm lược.

Từ đó về sau, những khi nông nhàn, nhân dân thường diễn lại cảnh này và dần hình thành trò chơi dân gian pháo đất.

Liên hoan Pháo đất được tỉnh Hải Dương tổ chức hằng năm nhằm mang lại sân chơi rèn luyện sức khỏe đầu Xuân, góp phần gìn giữ và phát huy một nét văn hóa đặc sắc của người dân nông thôn đồng bằng Bắc Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.