Hải Dương thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả để tạo cơ hội phát triển

Trưởng Ban Kinh tế TW nhấn mạnh Hải Dương cần chủ động giải pháp thực hiện liên kết vùng; bám sát các chỉ đạo của TW, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số hiệu quả nhằm mở ra các cơ hội phát triển.
Hải Dương thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả để tạo cơ hội phát triển ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (bên phải) chúc mừng, tặng quà cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hải Dương nhân dịp đầu năm mới. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ngày 7/2, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã về trồng cây mùa Xuân, hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, ở thành phố Chí Linh và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.

Trồng cây tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Hải Dương cần tiếp tục phát động, tuyên truyền sâu rộng, kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” và tham gia thực hiện có hiệu quả đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của cây xanh; ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh biểu dương những kết quả về phát triển kinh tế, xã hội của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hải Dương đã đạt được trong năm 2021, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Khẳng định Hải Dương là tỉnh có vị trí, vị thế quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tỉnh cần chủ động giải pháp thực hiện liên kết vùng; bám sát các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số hiệu quả nhằm mở ra các cơ hội phát triển mới.

[Hải Dương xuất khẩu 250 tấn cà rốt đầu tiên của năm 2022]

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Hải Dương đối với công tác bảo tổn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử thời gian qua; đề nghị tỉnh cần có giải pháp để tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, để người dân hiểu hơn và có ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, từ đó để văn hóa tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh thời gian tới.

Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Hải Dương thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả để tạo cơ hội phát triển ảnh 2Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo tỉnh Hải Dương trồng cây tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị có những chủ trương, giải pháp để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc phát triển liên kết vùng và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng với tinh thần nỗ lực vượt khó, Hải Dương đã có sự tăng tốc, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm.

Tổng giá trị sản phẩm của tỉnh tăng 8,6%, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước. Đây cũng là năm Hải Dương thu ngân sách đạt cao, với tổng thu ngân sách đạt trên 21.000 tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch.

Quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 11 cả nước. Ngành nông nghiệp Hải Dương đứng thứ 2 cả nước.

Chiến lược phát triển thời gian tới của Hải Dương là “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.” Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số; năm 2021, việc ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại một số kết quả tích cực, đặc biệt là sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.