Hai hãng tàu biển lớn dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ

Hãng vận tải của Đan Mạch Maersk đã chỉ thị tất cả các con tàu của Maersk trong khu vực dự kiến sẽ đi qua eo biển Bab al-Mandab tạm dừng hành trình cho đến khi có thông báo mới.

Maersk dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ. (Nguồn: Getty Images)
Maersk dừng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ. (Nguồn: Getty Images)

Hai trong số các công ty vận tải đường biển hàng đầu thế giới là Maersk và Hapag-Lloyd ngày 15/12 thông báo tạm dừng các chuyến tàu đi qua eo biển Bab al-Mandab trên Biển Đỏ, do lo ngại về an toàn sau khi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại trong khu vực.

Trong ngày 15/12 đã xảy ra hai vụ tấn công nhằm vào các tàu chở hàng quốc tế đi qua Biển Đỏ, gồm tàu container MSC PALATIUM III - thuộc sở hữu của Thụy Sỹ và treo cờ Liberia, và tàu container Al Jasrah thuộc hãng vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin khu vực cho biết, ngày 15/12, lực lượng Houthi tại Yemen đã thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công vào 2 tàu chở hàng của Israel trên Biển Đỏ.

Trước đó, trên mạng xã hội X, cơ quan điều hành thương mại hàng hải của Anh báo cáo có 8 sự cố ở khu vực phía Nam Biển Đỏ, gần eo biển Bab al-Mandab.

Trước những diễn biến này, Hapag-Lloyd cho biết sẽ tạm dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ đến ngày 18/12.

Theo người phát ngôn của Hapag-Lloyd, số vụ tấn công nhằm vào tàu chở hàng trên vùng biển này ngày càng gia tăng kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng trước.

Trước đó, hãng vận tải của Đan Mạch Maersk đã có thông báo tương tự, nhấn mạnh hãng đã chỉ thị tất cả các con tàu của Maersk trong khu vực dự kiến sẽ đi qua eo biển Bab al-Mandab tạm dừng hành trình cho đến khi có thông báo mới. Lộ trình vận chuyển tạm thời sẽ đi vòng qua châu Phi.

Cùng ngày, Đức cảnh báo rằng các cuộc tấn công liên tục của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel và các tuyến vận tải quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.