Hài kịch: Nhiều màu nhưng chưa sắc nét

Hài kịch Hà Nội: Nhiều màu nhưng chưa sắc nét

Phía sau tình huống gây cười luôn là những câu chuyện rất đời, mang tới cho công chúng những suy ngẫm, bài học về cách ứng xử.

Ngồi ở hàng ghế khán giả, cậu thanh niên thấy cảnh lộn xộn không mấy xa lạ trên đường phố, chị phụ nữ gặp lại cảnh đôi co thường ngày tại khu chung cư, bác công nhân “khóc cười dang dở” trước những câu chuyện bi hài sau khi làm theo lời phán của lão thầy bói già…

Sau những tràng cười bất tận, khán giả của những chương trình hài kịch ra về với tâm lý sảng khoái nhưng cũng không khỏi cay cay nơi sống mũi.

Những nỗ lực mới

Từ Xuân Giáp Ngọ nhìn lại, có thể thấy, sân khấu hài kịch Hà Nội đã đi qua một chặng đường gập ghềnh, “vui cũng có mà buồn cũng không ít” như lời nghệ sỹ ưu tú Chí Trung chia sẻ. Đó là một bức tranh nhiều màu nhưng chưa thực sự sắc nét. 

Thế nhưng, giữa những khoảng lặng ấy, những nghệ sỹ đeo đẳng với nghề với có những lý do để yêu nghệ thuật và tin vào con đường phía trước, để sân khấu được sáng đèn.

Theo nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, năm vừa qua, hài kịch Hà Nội đã có những nỗ lực để tự làm mới chính mình. 

Điều đó được thể hiện qua việc khai thác chất liệu, đề tài để dàn dựng các vở diễn; hay việc kết hợp cùng các nghệ sỹ phía Nam trong các chương trình hài kịch, nhằm đưa tới cho khán giả những cảm xúc mới mẻ. 

“Làng” hài kịch Hà Nội năm qua cũng ghi dấu sự góp mặt của những nghệ sỹ vốn “đóng đinh” tên tuổi với những vở chính kịch như nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ ưu tú Anh Tú…

Bên cạnh việc khai thác những câu chuyện, vấn đề nảy sinh từ thực tiễn ở xã hội đương đại (như vấn đề y đức, tranh chấp tài sản, chuyện lô đề cờ bạc…) để cho ra đời các tiểu phẩm hài, các nghệ sỹ tìm về với kho tàng truyện dân gian để dàn dựng vở diễn dài hơi. “Thị Hến” (đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh) là một trường hợp tiêu biểu cho đường hướng nghệ thuật này. Đây được coi là điểm nhấn của bức tranh hài kịch Hà Nội thời gian qua.

Một cảnh trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" (Ảnh: PV/Vietnam+)
 

Dựa theo tích tuồng dân gian “Nghêu, Sò, Ốc, Hến,” vở hài kịch “Thị Hến” thể hiện một lối dàn dựng mới mẻ: Kết hợp chèo truyền thống và kịch hiện đại. “Đây vừa là phương thức để đưa sân khấu kịch đến gần hơn với khán giả vừa là cách để kéo khán giả về với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc,” nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành-một đạo diễn “lão làng” của sân khấu kịch Việt Nam bày tỏ.

Khán giả bày tỏ sự tâm đắc khi được nghe lại những âm thanh quen thuộc như tiếng côn trùng rả rích, tiếng dao thớt băm chặt đồ ăn trong ngày hội làng… 

Bác Nguyễn Văn Nam (60 tuổi, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Thật thú vị khi đó không phải là những âm thanh đã được thu âm sẵn như ở nhiều vở diễn khác; mà được các diễn viên trực tiếp tạo ra trên sân khấu, rất sống động! Tôi thấy mình như được trở về tuổi thơ, sống giữa không gian làng quê Bắc Bộ quen thuộc.”

Song song với việc làm mới những câu chuyện cũ, hài kịch Hà Nội trong năm qua cũng chứng kiến những sự kết hợp. “lấn sân” khá thú vị của các nghệ sỹ. Công chúng Thủ đô được thưởng thức “món ăn” mới khi lần đầu tiên, danh hài Hoài Linh có sự kết hợp với các nghệ sỹ hài miền Bắc (nghệ sỹ ưu tú Chí Trung, nghệ sỹ ưu tú Ngọc Huyền, Vân Dung…) trong loạt chương trình hài kịch “Tình yêu cười.”

Trước đó, khán giả Hà Nội cũng không khỏi hồi hộp khi đạo diễn Anh Tú-một bàn tay “khắt khe” với những vở chính kịch, trình làng chùm hài kịch “Nụ cười Kẻ Chợ,” “Kẻ khóc, người cười.”

Cùng với những "nốt thăng," sân khấu hài kịch Hà Nội cũng không tồn tại không ít "bè trầm."

Khán giả không khó để nhận ra sự lặp lại trong các kịch bản hài kịch. Đa phần các tiểu phẩm hài vẫn xoay quanh những câu chuyện vốn đã rất quen trong cuộc sống như sự mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu, tệ nạn lô đề cờ bạc...

“Đa phần, các chương trình hài kịch là sự tổng hợp của nhiều tiểu phẩm hài kịch đơn lẻ, thiếu sự kết nối nhịp nhàng, xuyên suốt để tạo thành một tổng thể thống nhất. Cùng với đó, diễn viên trẻ chưa tạo được sự bứt phá đáng kể,” ông Thọ phân tích. 

Phía sau nụ cười…

Trong đời sống hiện đại, bên cạnh những phút trầm tư, lắng lại để suy ngẫm thì con người cũng cần những phút thư giãn với những tiếng cười sảng khoái. Bởi vậy, hài kịch vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng đối với công chúng.

Hài kịch vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng với công chúng (Ảnh: NHTT)

Thế nhưng, “hài kịch được dàn dựng không chỉ để chọc cười khán giả. Bên trong những tình huống và chi tiết gây cười luôn là những câu chuyện rất đời, mang tới cho công chúng những suy ngẫm, bài học về cách ứng xử” đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Chí Trung bày tỏ.

Đơn cử, ở hài kịch “Thị Hến,” những tràng cười nghiên ngả được tạo ra khi Thị Hến-nhân vật chính của vở diễn, một phụ nữ xinh đẹp, đáo để đã dùng chính nhan sắc, trí thông minh của mình để phơi bày bộ mặt thật của lũ tham quan. Phía sau đó là hình ảnh bức tranh nông thôn Việt Nam thuở trước được tái hiện sinh động; là cái nhìn sâu sắc, toàn diện về tính cách của con người với đầy đủ những “tham-sân-si”…

“Câu chuyện không mới nhưng vẫn luôn có ý nghĩa! Cuộc sống vẫn luôn cần những con người biết phát huy trí tuệ để đấu tranh với cái xấu, cái ác,” đạo diễn Lê Khanh chia sẻ khi được hỏi về mục đích đưa tích tuồng dân gian “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” lên sân khấu kịch.

Bàn về vai trò của hài kịch trong đời sống sân khấu phía Bắc hiện nay, nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ cho rằng: Trong cảnh “đìu hiu chợ chiều” của chính kịch lâu nay, hài kịch có ý nghĩa không nhỏ trong việc tạo ra đất diễn, môi trường làm nghề cho nghệ sỹ và góp phần giảm bớt những khó khăn về kinh tế cho các nhà hát, đơn vị nghệ thuật.

Theo vị Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu, dựng và diễn hài kịch cũng là để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng hiện nay. Vấn đề đặt ra là cần có sự định hướng thẩm mỹ để hài kịch không trở thành những câu chuyện hời hợt được đưa lên sân khấu, đơn thuần chỉ để gây cười đối với người xem.

“Tiếng cười trong hài kịch phải mang ý nghĩa tư tưởng, phê phán những thói hư tật xấu để công chúng sau khi xem xong, tự rút ra những bài học đạo đức cho riêng mình,” ông Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm trên, nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân chia sẻ, chị hiểu rõ tâm lý của khán giả Hà Nội. Mặc dù lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không ít lần, chị trực tiếp diễn hài trên đất Bắc. Theo chị, công chúng Thủ đô không thích những vở diễn theo lối “bông phèng,” gây cười hời hợt chỉ nhờ hóa trang, diễn xuất hình thể (cách nói năng ngọng nghịu, trang phục kỳ quái…).

“Dù là hài kịch thì người xem vẫn luôn đòi hỏi độ lắng. Khán giả thích những vở diễn sâu cay, cười thâm thúy theo kiểu mượn chuyện này để chế giễu, lên án vấn đề kia,” nghệ sỹ Hồng Vân bày tỏ. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với những nghệ sỹ hài kịch nếu muốn “giữ chân” khán giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục