Hải Phòng: Đấu giá khoáng sản, giảm thiểu tranh chấp trên biển

Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản góp phần tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp, phân định rõ khu vực khai thác khoáng sản, tránh tranh chấp với các hoạt độnng khai thác thủy sản.
Hải Phòng: Đấu giá khoáng sản, giảm thiểu tranh chấp trên biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2022, Hải Phòng lần đầu tiên tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát tại khu vực biển phía Nam Đình Vũ (quận Hải An).

Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản góp phần tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, cùng với đó là phân định rõ ràng khu vực khai thác khoáng sản, tránh tranh chấp với các hoạt động khai thác thủy sản vốn đang gây ra các "điểm nóng" mất an ninh trật tự trong thời gian qua.

Hải Phòng là địa phương ven biển có các khu vực bãi bồi, gò rộng thuận tiện cho việc nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tuy nhiên, đây cũng là những khu vực có trữ lượng cát lớn.

Trong khi đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản và quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng tranh chấp thường xuyên tại khu vực này.

Từ năm 2015 đến nay, tình trạng tranh chấp giữa các ngư dân khai thác, nuôi trồng ngao và hoạt động khai thác khoáng sản cát tại các khu vực bãi bồi trên biển diễn ra rất phức tạp.

Tại các khu vực bãi bồi thuộc xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), phường Bằng La (quận Đồ Sơn), phường Tràng Cát (quận Hải An), xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng)... các tranh chấp thường xuyên xảy ra.

Huyện Kiến Thụy đã có quy hoạch về khu vực nuôi ngao với 750ha. Quy hoạch này được ban hành từ năm 2018 nhưng cũng đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ hàng trăm hộ nuôi ngao trên địa bàn. Khu vực này đang trở thành "điểm nóng" tranh chấp, va chạm giữa đơn vị khai thác cát và người dân nuôi ngao.

Ông Vũ Trí Tuân, Hội trưởng Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng chia sẻ Bãi triều (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) được coi là khu vực nuôi ngao hiệu quả không chỉ ở Hải Phòng mà còn cả khu vực biển miền Bắc.

Năm 2003, Bộ Thủy sản (nay là Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa con ngao trắng ra nuôi. Năm 2008, công nghệ đã được chuyển cho bà con nuôi đại trà.

Hiệu quả nuôi trồng tốt, "tiếng lành" đồn xa, từ đó đến nay đã có hơn 200 hộ dân và đứng phía sau là hàng nghìn cổ đông góp vốn khác đầu tư vào đây nuôi ngao với diện tích hơn 3.000ha.

Năm 2018, huyện Kiến Thụy đã ban hành Quyết định số 635/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi ngao vùng ven biển huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Diện tích nuôi ngao bị thu lại chỉ còn 750ha, trong đó 550ha là khu vực bùn, không có khả năng nuôi ngao. Việc này nhiều năm qua đã gây bức xúc cho nhân dân.

Cùng với đó, tình trạng va chạm, tranh chấp giữa người nuôi ngao và đội tàu khai thác cát vẫn thường xuyên xảy ra gây mất an ninh trật tự. Hội Nuôi ngao huyện Kiến Thụy đã nhiều lần kiến nghị và đang chờ câu trả lời của huyện.

Chị Nguyễn Thị Yến, người nuôi ngao trong khu vực bãi triều cửa sông Văn Úc thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, cho biết, gia đình cùng một số anh chị em ra đây nuôi ngao từ đầu năm 2010. Sau nhiều năm vất vả, đến nay, chị Yến đã mở rộng và có diện tích nuôi ngao ổn định khoảng 70ha.

Tuy nhiên, hiện quy hoạch của huyện Kiến Thụy đang làm quy mô nuôi ngao của chị Yến cũng như những hộ nuôi ngao bị thu hẹp lại, gây khó khăn cho bà con. Cùng với đó, tình trạng khai thác cát tràn lan gây tranh chấp với bà con nuôi trồng thủy sản đang xảy ra thường xuyên tại đây.

Trên địa bàn kế bên, huyện Tiên Lãng, đầu năm 2022, Công an huyện này cũng đã khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích xảy ra tại biển xã Vinh Quang.

Vụ việc xảy ra vào ngày 13/11/2021, ba ngư dân đang khai thác và nuôi trồng ngao trên biển thuộc khu vực trên đã bị các đối tượng đi trên hai ca nô áp sát và dùng dao kiếm xông vào ẩu đả khiến các ngư dân bị thương, trong đó một ngư dân bị gãy chân và một ngư dân bị thương vùng đầu. Vụ việc chưa biết đúng, sai như thế nào, nhưng tình trạng tranh chấp đang có nhiều diễn biến phức tạp...

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết thành phố đã có quy hoạch tổng thể về phát triển thủy sản trên địa bàn. Theo đó, các quận, huyện sẽ xây dựng quy hoạch chi tiết của từng địa phương.

Đến nay mới có huyện Kiến Thụy đã xây dựng và ban hành được quyết định quy hoạch chi tiết này; trong đó có quy hoạch vùng nuôi ngao. Hiện các địa phương còn lại đang làm việc với các đơn vị tư vấn để ban hành quy hoạch.

Tuy nhiên, đến năm 2019, theo Luật Quy hoạch mới và Luật Thủy sản mới có hiệu lực, các quy hoạch chuyên ngành không còn hiệu lực và không thể ban hành được nữa. Hiện các quy hoạch này đang chờ được tích hợp vào quy hoạch tổng thể của thành phố và đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Để tăng cường công tác quản lý, ngày 8/12/2021, UBND thành phố đã ban hành quyết định số 3577/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố năm 2021.

Ba khu vực mỏ được tổ chức đấu giá có diện tích 9,75ha/mỏ thuộc khu vực Đèn Nơm, phía Nam Đình Vũ, quận Hải An. Thực hiện chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ cụ thể cho từng khu vực mỏ, bao gồm: đo đạc xác định vị trí, diện tích, đánh giá tiềm năng khoáng sản, xây dựng phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá...

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản. Cùng với nâng cao việc quản lý khai thác là tránh chồng chéo trong quy hoạch, cấp phép, tránh tranh chấp với các hoạt động khác trong khu vực.

Bước đầu, nhiều doanh nghiệp chuyên khai thác, sản xuất, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều có những đánh giá tích cực về chủ trương mới của thành phố trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Việc đấu giá sẽ tạo được môi trường cạnh tranh minh bạch cho các doanh nghiệp, từ đó tránh thất thu cho Nhà nước và giảm thiểu các tiêu cực có thể xảy ra; đồng thời thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đấu giá.

Với việc triển khai đấu giá này, thời gian tới, Hải Phòng sẽ nâng cao năng lực quản lý, khai thác vùng ven biển, tránh tình trạng tranh chấp giữa ngao và cát như đang xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.