Hải Phòng đón cơ hội bằng hiện đại hóa thể chế và nguồn nhân lực

Bí thư Thành ủy Hải Phòng trả lời phỏng vấn của TTXVN, trước thềm Đại hội XV Đảng bộ thành phố, về cơ hội phát triển thông qua hiện đại hóa thể chế, nền kinh tế và nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Hải Phòng đón cơ hội bằng hiện đại hóa thể chế và nguồn nhân lực ảnh 1Ông Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2010-2015), Hải Phòng đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh hiện đại - một trung tâm kinh tế xã hội lớn, năng động và đang hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền đã chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm Đại hội XV Đảng bộ thành phố (diễn ra từ ngày 21-24/10) về cơ hội phát triển thông qua hiện đại hóa thể chế, nền kinh tế và nguồn nhân lực trong thời gian tới.

- Thưa ông, nhiệm kỳ qua, Hải Phòng đã biến thách thức, khó khăn thành thuận lợi và đạt được những kết quả nổi bật về kinh tế​-xã hội. Vậy, ông ấn tượng sâu sắc nhất về điều gì?

Ông Dương Anh Điền: Nhiệm kỳ qua, thành phố Hải Phòng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, có những khó khăn vượt xa dự báo. Nửa đầu nhiệm kỳ, kinh tế vĩ mô không ổn định, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, những ngành sản xuất chủ lực của thành phố như: đóng tàu, vận tải biển, sắt thép, ximăng, dịch vụ cảng gặp khó khăn nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện một cách quyết liệt và sáng tạo những chủ trương lớn của Trung ương, trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là 3 khâu đột phá đó là về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính.

Kinh tế thành phố từng bước vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tăng bình quân 8,67%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ; nhiều chỉ tiêu đạt cao, về trước kế hoạch từ 1 đến 3 năm…

Các dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, các hạ tầng điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải, môi trường, y tế, giáo dục cùng nhiều dự án lớn, trọng điểm, có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thành phố và cả vùng, nhất là những công trình hạ tầng giao thông chiến lược đã và đang triển khai như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện, đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu và đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện; các dự án hạ tầng kinh tế như VSIP, Tràng Duệ, Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.

Đặc biệt ở dự án Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Hải Phòng đã thể hiện rõ, khi Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao là cấp quyết định đầu tư và là chủ đầu tư một dự án hạ tầng cấp Quốc gia.

Vốn FDI vào Hải Phòng 5 năm qua đã tăng đột biến, đạt gần 8 tỷ USD, gấp 1,5 lần tổng số vốn FDI của những năm trước cộng lại. Quan trọng hơn, thành phố đã thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của các tập đoàn, công ty lớn, có uy tín trên thế giới như: LGE, GE, Bridgestone, Fuji Xerox...

Những điều này đã tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, như sản xuất giày dép, ximăng, sắt thép, đóng tàu… sang các ngành mới, tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Bằng việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, máy móc…, Hải Phòng đang dần hình thành một trung tâm công nghiệp điện tử lớn. Cùng với đó là nhiều dự án quan trọng đang được triển khai của các nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Him Lam, Tân cảng Sài Gòn... đã mở ra cơ hội lớn để Hải Phòng thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

- Phát biểu tại một số hội nghị, Bí thư Thành ủy cho biết: "Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XV Đảng bộ thành phố là kết tinh trí tuệ của toàn dân." Theo đó, công tác chuẩn bị về văn kiện Đại hội có điểm gì mới, thưa ông?

Ông Dương Anh Điền: Trước mỗi Đại hội, công việc xây dựng Báo cáo Chính trị trình Đại hội luôn là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ.

Vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước, của các cấp ủy và chính quyền được thể hiện đậm nét nhất ở trong chính giai đoạn này.

Để hoạch định được hướng đi đúng đắn, giúp cho địa phương khai thác được các thế mạnh để phát triển hiệu quả, đột phá cần phải đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, điểm mạnh, điểm yếu của địa phương; nhận định đúng bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế với những cơ hội được tạo ra, thách thức phải đối mặt.

Ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của nhiệm vụ này, Thành ủy Hải Phòng đã sớm chỉ đạo xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV trình Đại hội XV Đảng bộ thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thành lập Tiểu ban văn kiện để thực hiện nhiệm vụ này.

Văn kiện được chuẩn bị theo quy trình chặt chẽ, từ việc xác định các quan điểm, căn cứ, kết cấu, thông qua đề cương chi tiết, đến tiến hành xây dựng dự thảo, lấy và tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự thảo.

Tiểu ban văn kiện đã nhận được ý kiến tham gia của các ban Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, 11 Bộ ngành Trung ương và gần 3.000 ý kiến tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Tiểu ban đã chỉ đạo tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị.

Tóm lại, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng bộ, quân và dân, thể hiện “khát vọng” vươn lên của Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng là những giá trị cốt lõi của Dự thảo Báo cáo chính trị mà Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV sẽ trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XV.

- Xin ông cho biết phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp mới mang tính đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020?

Ông Dương Anh Điền: Thành ủy đã thống nhất xác định chủ đề Đại hội XV Đảng bộ thành phố là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự phát triển đột phá; hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.”

Đồng thời, Thành ủy cũng xác định 7 định hướng lớn và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá được xác định là “Đẩy mạnh thu hút đầu tư; tận dụng cơ hội mới về mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; phát huy hiệu quả lợi thế vị trí địa kinh tế với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vượt trội, nhất là cảng biển, cảng hàng không quốc tế, hệ thống đường ôtô cao tốc.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp h​óa, hiện đại h​óa; phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao.”

Thành phố tập trung điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế thành phố; ưu tiên phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, kinh tế biển, kinh tế đô thị hiện đại và những lĩnh vực kinh tế mang lại hiệu quả lớn, tính bền vững cao; Thực hiện tăng trưởng theo chiều sâu, đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, nâng cao tỷ trọng đóng góp của Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng tăng trưởng xanh, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao.

Bênh cạn đó, Hải Phòng tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng chủ động hội nhập quốc tế, coi trọng khai thác thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút các tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới có tiềm lực về vốn, thị trường và công nghệ; ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế.

Cụ thể hơn, về dịch vụ, thành phố sẽ tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh, như các ngành dịch vụ cảng biển, hàng không, vận tải biển, logistics, xuất nhập khẩu, tài chính - ngân hàng, thương mại, tổ chức các sự kiện quốc tế, du lịch biển.

Về công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ thân thiện với môi trường, chú trọng công nghiệp biển, công nghiệp điện tử, điện gia dụng, công nghiệp hàng xuất khẩu; phát huy tiềm năng và lợi thế, phấn đấu Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, một trọng điểm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới một cách cơ bản tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của chính quyền…

Có thể nói rằng, hai yếu tố quan trọng nhất là khát vọng và quyết tâm chính trị của Hải Phòng đã và đang tạo cho thành phố một nền tảng vững chắc để trở thành một đầu mối giao thông quan trọng - cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của vùng, tạo cơ sở vững chắc để hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục