Hải Phòng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng

Hải Phòng hướng tới trở thành thành phố công nghiệp hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045, có trình độ phát triển cao nằm trong nhóm thành phố hàng đầu châu Á.
Hải Phòng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng ảnh 1Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng là cảng biển nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, cùng với kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát huy tiềm năng của thành phố cảng.

Mạnh tay rót vốn

Các tập đoàn đầu tư trong nước có nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn lực đã chọn Hải Phòng làm "bến đỗ" phải kể đến Tập đoàn Vingroup, Sun Group, Flamingo Group, Tập đoàn Gleximco...

Tập đoàn Vingroup đã chọn Hải Phòng để đầu tư xây dựng đa lĩnh vực (công nghiệp, thương mại, y tế), trong đó nổi bật là Nhà máy ôtô VinFast chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, sự ra đời của VinFast thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam mang tầm cỡ thế giới, khẳng định khả năng làm chủ công nghệ hiện đại của người Việt.

Thông qua lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy - một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác, Vingroup cũng mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[Hải Phòng - thành phố cảng luôn đón đầu làn sóng hội nhập]

Đặc biệt, vào trung tuần tháng 9 vừa qua, tại Nhà máy VinFast Hải Phòng, VinFast tổ chức bàn giao 100 ô tô điện VF 8 đầu tiên cho những người đặt cọc sớm nhất. Sự kiện đánh dấu bước tiến lịch sử của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi lần đầu tiên có sản phẩm xe điện thông minh toàn cầu xuất xưởng và sẵn sàng chinh phục thế giới.

Theo kế hoạch, sau khi bàn giao xe tại Việt Nam, VinFast sẽ xuất khẩu lô xe VF 8 đầu tiên với số lượng khoảng 5.000 chiếc tới Mỹ, Canada và châu Âu vào đầu tháng 11 năm nay.

Dự kiến, những khách hàng quốc tế đầu tiên của VinFast có thể được nhận xe vào tháng 12.

Mới đây, ngày 29/9, cũng tại Nhà máy VinFast Hải Phòng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast tổ chức bàn giao lô xe máy điện thông minh Evo200 đầu tiên cho các khách hàng đặt cọc sớm nhất.

Là mẫu xe "3 nhất" (mới nhất-đi xa nhất-giá tốt nhất), Evo200 đã nhanh chóng cán mốc 18.000 đơn đặt hàng chỉ sau 48 giờ nhận đặt cọc và trở thành mẫu xe máy bán chạy nhất kể từ 21/9/2022.

Tập đoàn Sun Group đã đặt chân tại huyện đảo Cát Hải thi công tuyến cáp treo Cát Hải- Phù Long, có trụ cáp treo cao nhất thế giới. Với thiết kế gồm 60 cabin, mỗi cabin có sức chứa 30 khách, vận hành tốc độ tối đa 8m/s, đạt công suất 4500 khách/giờ.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sun Group, chia sẻ tuyến cáp treo Cát Hải-Phù Long là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm du lịch cao cấp như sân golf, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Onsen, làng văn hóa ven biển, bãi biển công cộng, cảng tàu du lịch… sẽ được Tập đoàn Sun Group triển khai trong tương lai.

Sau tuyến cáp này, những dự án mới sẽ tiếp nối, đem đến cho Cát Bà hệ sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, biến đảo Ngọc miền Bắc trở thành thiên đường du lịch hàng đầu Việt Nam và thế giới.

Cũng tại huyện đảo Cát Hải, Flamingo Group đã xây dựng siêu tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà Resorts-Resort 5 sao với một phong cách kiến trúc đẳng cấp khác biệt tại vịnh Lan Hạ, nơi được bình chọn là vịnh đẹp nhất thế giới.

Mang đến cho Cát Bà một diện mạo mới - nơi du khách tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, dịch vụ lưu trú, giải trí đẳng cấp trong tầm tay, Flamingo Cát Bà Beach Resort được kì vọng tạo ra cú hích giúp "viên ngọc xanh vịnh Bắc bộ" đến gần hơn với du khách, góp phần đưa Hải Phòng trở thành tâm điểm du lịch biển khu vực phía Bắc...

"Thỏi nam châm" hút FDI

Với lợi thế, tiềm năng vượt trội cùng sự linh hoạt, mềm dẻo trong hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư của Hải Phòng đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố Hải Phòng với đại diện nhà đầu tư các nước nhằm mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đạt được mục tiêu chiến lược đề ra giữa các bên.

Hải Phòng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng ảnh 2Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong rất nhiều quốc gia đến đầu tư tại Hải Phòng không thể không nhắc tới Hàn Quốc. Tại buổi tiếp xã giao đoàn nghị sỹ Quốc hội Hàn Quốc mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại.

Với riêng Hải Phòng, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng đầu cả về vốn lẫn số dự án, trong tổng số 80 tỷ USD Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thì có 10 tỷ USD là đầu tư vào Hải Phòng.

Tiếp nối và phát huy những kết quả đạt được, Hải Phòng còn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hàn Quốc vào cuối tháng 8 vừa qua. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng hội nghị này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc và quan hệ hợp tác phát triển giữa thành phố Hải Phòng với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc.

Một sự kiện khác, ngày 28/9, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với Hiệp hội doanh nghiệp điện, điện tử Đài Loan (TEEMA), Ủy ban hợp tác xúc tiến công nghệ cao (ICT) Đài-Việt, Hiệp hội phát triển kinh tế văn hóa giáo dục Đài-Việt (TVECEDE).

Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết kể từ đầu tháng 9/2022, đây là đoàn khảo sát thứ 3 của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đến thành phố Hải Phòng để tìm hiểu và khảo sát về môi trường đầu tư tại thành phố. Các hoạt động này thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp đối với thành phố cũng như những tiềm năng nổi bật và thu hút của môi trường đầu tư.

Đoàn khảo sát của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) bày tỏ ấn tượng đối với sự phát triển của thành phố Hải Phòng cũng như các tiềm năng, lợi thế, cùng các chính sách thu hút đầu tư và trên hết là sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và Ban Quản lý Khu kinh tế với các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc)...

Hải Phòng trở thành một điểm đến đầu tư năng động, thuận lợi, an toàn và trở thành điểm đến thành công đối với các nhà đầu tư. Đây là nhận xét chung của các nhà đầu tư khi đến với thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp đang hoạt động. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển và mở rộng thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.148ha. Theo kế hoạch dự kiến, quý 4 năm nay, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ chính thức được đưa vào khai thác.

Đến cuối tháng 9/2022, tại Hải Phòng thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt gần 1.253 triệu USD (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), bằng 45,97% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 50,12% kế hoạch; trong đó, 56 dự án cấp mới với số vốn 787,76 triệu USD; 29 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn 456,4 triệu USD.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng cam kết hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào thành phố; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện-điện tử, dịch vụ logistic, phát triển hạ tầng, đô thị.

Thành phố Hải Phòng cũng mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác về xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển về giáo dục, y tế, nguồn nhân lực, thị trường lao động. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại các quốc gia..., góp phần xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng phải có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.