Hải Phòng: Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng tiềm năng

Thành phố Hải Phòng đã và đang trở thành một trong những địa phương có bước đột phá mạnh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dẫn đầu cả nước.
Hải Phòng: Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng tiềm năng ảnh 1Dây chuyền sản xuất lốp xe tại nhà máy Bridgestone. (Nguồn: TTXVN phát)

Thành phố Hải Phòng đã và đang trở thành một trong những địa phương có bước đột phá mạnh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dẫn đầu cả nước.

Chỉ từ năm 2011 đến năm 2014, thành phố đã thu hút 124 dự án cấp mới với số vốn đăng ký 4.153,6 triệu USD và 91 dự án tăng vốn, nâng tổng vốn thu hút mới và tăng thêm lên 5.402,9 triệu USD, chiếm gần 55% tổng số vốn FDI đăng ký thu hút được trong vòng 25 năm.

Thế nhưng trên thực tế, vẫn còn những tồn tại, nhược điểm cố hữu trong thu hút FDI và chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của thành phố.

Kết quả đột phá

Đánh giá về những kết quả đã đạt được như trên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền, cho biết năm 2014 thành phố có 41 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 762 triệu USD; 32 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 246 triệu USD (chủ yếu là dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn VSIP Hải Phòng đăng ký tăng vốn 122,3 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle Internatinonal đăng ký tăng 30 triệu USD).

Tổng số vốn cấp mới và tăng vốn đạt hơn 1 tỷ USD; thành phố cũng thu hồi bốn dự án do không đạt hiệu quả kinh tế và không có dự án nào giảm vốn. Như vậy, tính lũy kế đến 31/12/2014, Hải Phòng có 409 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 9.928,4 triệu USD.

Có được kết quả trên khẳng định sự quyết liệt và sự tập trung cao độ của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành chức năng trong hoạt động xúc tiến đầu tư; đồng thời khẳng định tính hấp dẫn về vị trí địa lý - kinh tế chiến lược, vượt trội về hệ thống kết cấu hạ tầng của Hải Phòng so với các địa phương khác của cả nước.

Nếu như trước đây, các dự án tập trung trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, sản xuất các sản phẩm có sử dụng nguồn nhiên liệu, khoáng sản, các dự án sản xuất các sản phẩm truyền thống như giày da, may mặc, nhựa, dép... thì các dự án FDI trong giai đoạn này được đánh giá cao về quy mô, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, có công nghệ kỹ thuật cao (thiết bị điện tử và chi tiết, linh kiện trong công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, tinh chế các sản phẩm đất hiếm, hợp kim đất hiếm từ bột nam châm vĩnh cửu...).

Các dự án trong lĩnh vực này đều là dự án của các nhà đầu tư đến từ quốc gia lớn, các tập đoàn uy tín như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Một số dự án sản xuất công nghiệp có ý nghĩa quan trọng của các tập đoàn lớn, danh tiếng của Nhật Bản như dự án đầu tư Nhà máy sản xuất lốp xe cao su của Bridgestone Corporation với số vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án sản xuất thuốc tiêu chuẩn cao Nipro Pharma Corporation (Nhật Bản) với vốn đầu tư 250 triệu USD; dự án sản xuất máy in, máy photocopy và máy đa năng của Fuji Xerox (Nhật Bản) với vốn đầu tư 119 triệu USD; dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử và điện tử công nghệ cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Electronic Việt Nam-Hải Phòng (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD.

Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, thành phố có hai dự án của nhà đầu tư Singapore đến đầu tư tại Khu công nghiệp Đình Vũ với số vốn đầu tư đăng ký 25 triệu USD và Khu công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng với số vốn đầu tư đăng ký 7,91 triệu USD...

Điều đáng nói, cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, đầu tư các dự án trong lĩnh vực sản xuất, thương mại giai đoạn 2011-2014, đã có một số nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại cao cấp, khách sạn, trung tâm thương mại... Trong số đó, đã có ba nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện các dự án về trung tâm thương mại tổng hợp, khu nhà ở tại Khu đô thị ven sông Lạch Tray, dự kiến công vào tháng 6/2015.

Vẫn còn tồn tại

Hải Phòng: Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng tiềm năng ảnh 2Cầu cảng hàng lỏng tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thực tế cho thấy, các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về thu hút FDI ở Hải Phòng tuy đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn rườm rà; công tác quản lý về công nghiệp còn yếu, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.

Việc phối hợp triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố, quảng cáo thu hút đầu tư, bảo hộ, đăng ký bản quyền công nghiệp, theo dõi, quản lý nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp FDI, kiểm tra, rà soát còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Với thuận lợi Hải Phòng là một trong hai địa phương cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu được Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập đề án và triển khai xây dựng một khu công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp phụ trợ đi kèm với khu đô thị, dịch vụ dành cho nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử, sản xuất cơ khí. Tuy nhiên, đến nay tiến độ còn chậm, đề án xây dựng khu công nghiệp này của thành phố Hải Phòng chưa được phê duyệt.

Thêm nữa, một số công việc khác triển khai với “tốc độ rùa” như: Việc xây dựng đề án và kế hoạch giảng dạy tiếng Nhật; việc triển khai xây dựng các khu nhà ở cho công nhân còn hạn chế. Tại các khu công nghiệp môi trường sống cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Tại cuộc sơ kết ba năm (2011-2014) về tăng cường thu hút FDI của thành phố Hải Phòng mới đây, đại diện quản lý Khu công nghiệp Đình Vũ đã thẳng thắn chia sẻ Hải Phòng là địa điểm đầu tư hấp dẫn với lợi thế là cảng chính của miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, Hải Phòng chưa hoàn tất các điều kiện cần và đủ phục vụ cho thu hút FDI, còn nhiều điểm yếu kém về dịch vụ, hạ tầng cơ sở khi so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Hải Phòng cần tiếp tục đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng hiện tại và thúc đẩy hoàn thành càng sớm càng tốt. Đồng thời thực hiện quản lý, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng tốt để tránh các công trình bị xuống cấp nhanh. Mặt khác, Hải Phòng cũng cần tăng cường đầu tư về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà ở, trường học, trung tâm mua sắm, giải trí để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài sinh sống và làm việc tại thành phố. Ngoài ra, Hải Phòng cũng cần tuyên truyền rộng rãi qua kênh báo chí quốc tế về các công trình dịch vụ của Hải Phòng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Đan Đức Hiệp cho biết để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, năm 2015, Hải Phòng tiếp tục xác định nguồn vốn FDI giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố theo hướng thành phố cảng xanh, phát triển bền vững. Trong đó, thành phố tập trung nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư; nghiên cứu thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia từ các thị trường tiềm năng, chú ý khai thác các thị trường do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mở ra.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường, công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, triển khai đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo động lực phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà cho cả vùng như dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng chú trọng hơn trong công tác quản lý, giám sát dự án; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.