Hải quan Afghanistan cấm nhập khẩu 4 mặt hàng của Iran

Lệnh cấm này được áp dụng với các sản phẩm dầu mỏ, ximăng, các sản phẩm thép, đá lát và đồ gốm từ Iran kể từ ngày 16/9.
Hải quan Afghanistan cấm nhập khẩu 4 mặt hàng của Iran ảnh 1Bơm xăng tại một trạm xăng ở Tehran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/9, trang Eghtesadonline đưa tin Cục Hải quan Afghanistan đã cấm nhập khẩu 4 sản phẩm của Iran.

Cụ thể, lệnh cấm này được áp dụng với các sản phẩm dầu mỏ, ximăng, các sản phẩm thép, đá lát và đồ gốm từ Iran kể từ ngày 16/9.

Cục Hải quan Afghanistan đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp nước này xem xét kỹ các quy định thương mại mới với Iran.

Một thành viên của Ủy ban Thương mại, Công nghiệp, Khai mỏ và Nông nghiệp Iran, Ali Shariati, cho rằng Afghanistan thực hiện lệnh cấm trên theo các lệnh trừng phạt Mỹ vừa áp đặt trở lại đối với Iran.

Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran vốn đã được dỡ bỏ trước đó.

Quyết định đơn phương trên đã vấp phải sự phản đối của các bên tham gia ký kết JCPOA cũng như cộng đồng thế giới.

Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, kéo theo tái áp đặt trừng phạt, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị.

Một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran.

Các hãng hàng không Air France và British Airways đã thông báo ngưng các chuyến bay đến Tehran từ tháng Chín./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.