Hai tháng: Dòng vốn FDI vào Việt Nam giải ngân được 2,58 tỷ USD

Hai tháng đầu năm, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã giải ngân được 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng vốn FDI giải ngân 2,58 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2019. (Ảnh minh họa. Nguồn: SCG/Vietnam+)
Dòng vốn FDI giải ngân 2,58 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2019. (Ảnh minh họa. Nguồn: SCG/Vietnam+)

Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin trên và cho biết đây là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.

[Doanh nghiệp Việt xúc tiến đầu tư du lịch và dược phẩm ở Campuchia]

Tăng mạnh trong cả ba hợp phần

Về hoạt động đầu tư, tính đến 20/2, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 8,47 tỷ USD, tăng trên 2,5 lần so với cùng kỳ.

Báo cáo của Cục đầu tư Nước ngoài cho biết, dòng vốn FDI đang tăng mạnh ở cả 3 hợp phần, trong đó cấp mới là 514 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ. Hoạt động điều chỉnh vốn, toàn quốc có 176 lượt dự án với tổng vốn đăng ký 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong mảng góp vốn, mua cổ phần, cả nước có 1.039 lượt tham gia với tổng giá trị vốn góp 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ  và chiếm 61% tổng vốn đăng ký.

Hai tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư.

Một điểm sáng nổi lên, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư là 306,7 triệu USD, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư.

Hiện, Hongkong dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư, Singapore đứng thứ hai có số vốn 979,1 triệu USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư và Hàn Quốc lùi về vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 873 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.

Hai tháng: Dòng vốn FDI vào Việt Nam giải ngân được 2,58 tỷ USD ảnh 1Hai tháng đầu năm 2019, khối ngoại đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cao nhất và đạt 6,93 tỷ USD. (Ảnh Minh họa. Nguồn: SCG/Vietnam+)

Xuất siêu 4,48 tỷ USD

Trong hoạt động xuất khẩu, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 25,95 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô, khối này xuất khẩu đạt 25,31 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69% kim ngạch.

Song song với đó, giá trị nhập khẩu tại khu vực FDI đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm và chiếm 58,4% kim ngạch.

Như vậy, trong khi cả nước nhập siêu 84 triệu USD  trong hai tháng đầu năm thì khối ngoại vẫn giữ truyền thống xuất siêu với 4,48 tỷ USD (kể cả dầu thô) và xuất siêu 3,84 tỷ USD (không kể dầu thô).

Đầu tư ra bên ngoài 6,25 triệu USD

Trong bối cảnh hội nhập phát triển ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp nội địa cũng đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Tính chung trong 2 tháng, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra bên ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 6,25 triệu USD.

Về cấp mới, cả nước có 5 dự án với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 6 triệu USD, trong đó 3 dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ, tổng giá trị 5,6 triệu USD, chiếm 89,5% tổng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, hai dự án còn lại thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông. Các nước nhận đầu tư của Việt bao gồm Mỹ, Singapore, Phần Lan, Nhật Bản.

Về điều chỉnh vốn, hiện có một dự án tại Myanmar tăng thêm là 200.000 USD.

Như vậy, tính lũy kế đến ngày 20/2, cả nước có 27.900 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD và vốn thực hiện lũy kế đạt gần 194 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký./.

Hai tháng: Dòng vốn FDI vào Việt Nam giải ngân được 2,58 tỷ USD ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.