Hạn chế xuất sắn khô để sản xuất nhiên liệu sinh học

Ban Điều hành Đề án Phát triển nhiên liêu sinh học kiến nghị cần hạn chế xuất khẩu sắn lát khô để phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.
Báo cáo của Ban Điều hành Đề án Phát triển nhiên liêu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2015 do Bộ Công Thương chủ trì đã đưa ra kiến nghị cần đưa mặt hàng sắn lát khô thuộc diện hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.

Bản báo cáo này được công bố tại lớp tập huấn về "Tuyên truyền và phổ biến kiến thức về vai trò quan trọng và hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của nhiên liệu sinh học trong sự phát triển bền vững" do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng hôm 25/7.

Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2012, cả nước có sáu nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (sử dụng nguyên liệu là sắn lát khô) đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt khoảng 535 triệu lít ethanol/năm.

Khi các nhà máy hoạt động đạt công suất thiết kế, sản lượng ethanol sẽ đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, đảm bảo đủ và vượt để cung cấp cho thị trường cả nước bằng xăng E5 từ đầu năm 2013. Trong trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động đạt 75% công suất thiết kế, tổng sản lượng ethanol nhiên liệu năm 2013 vẫn có thể đạt để phối trộn 2,26 triệu tấn xăng E5 và vẫn đảm bảo cung cấp toàn bộ xăng E5 cho nhu cầu của cả nước.

Các nhà máy hầu hết được xây dựng tại các vùng có nguyên liệu sắn lát khô dồi dào. Tuy nhiên, khi các nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ cần một lượng sắn lát khô nguyên liệu khoảng 1,47 triệu tấn. Bởi thế vấn đề đặt ra đối với các nhà máy là việc đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất ổn định và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các công ty cần xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định. Hiện nay, sắn lát khô đang được xuất khẩu với số lượng khá lớn, khoảng hơn 1 triệu tấn.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cho thấy các đơn vị trong nước có thể làm chủ được công nghệ sản xuất các loại phụ gia, xúc tác, chất biến tính sử dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học. Một số nghiên cứu bước đầu về đa dạng hóa nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học đã thu được kết quả khả quan trong việc phát triển công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học từ các nguồn sinh khối khác nhau.

Riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay đã tham gia góp vốn, đầu tư ba nhà máy sản xuất cồn sinh học tại ba miền Bắc, Trung, Nam với tổng công suất 300.000 m3/năm. Theo kế hoạch, đến năm 2014-2015, khi cả ba nhà máy đi vào hoạt động ổn định với 100% công suất sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m3 ethanol nhiên liệu, đủ để pha được 6 triệu m3 xăng E5 (tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014) hoặc 3 triệu m3 xăng E10 (tương đương với khoảng trên 40% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2017).

Cùng với sự tham gia thị trường của các nhà máy sản xuất ethanol khác trên cả nước, dự kiến nguồn cung ethanol nhiên liệu trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ 100% nhu cầu của thị trường khi Chính phủ bắt buộc pha ethanol vào xăng trên toàn quốc.

Hiện nay, ethanol nhiên liệu chủ yểu phục vụ cho việc pha chế xăng sinh học E5, E10... và chưa được sử dụng cho mục đích nào khác. Xăng sinh học vẫn còn là một sản phẩm hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam nên việc tiêu thụ ethanol nhiên liệu trong nước vẫn còn rất hạn chế. Do đó, các đơn vị sản xuất ethanol nhiên liệu phải có phương án xuất khẩu mới đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm của các nhà máy.

Về hoạt động kinh doanh và phân phối nhiên liệu sinh học, đến nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư năm cơ sở pha chế xăng E5 để phục vụ kinh doanh xăng E5. Hệ thống phân phối xăng E5 trên toàn quốc đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV Oil, Petec, Sài Gòn Petro thuộc địa bàn 34 tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Quảng Nam./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.