Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nghèo trên vựa lúa

Những mảnh ruộng nứt nẻ, những cánh đồng lúa xơ xác chết khô và những gương mặt người nông dân lo âu, buồn bã... đó là những hình ảnh đang diễn ra ở các vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long.
Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nghèo trên vựa lúa ảnh 1Cảnh khô hạn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2015-2016 được dự báo là khốc liệt nghiêm trọng nhất trong 100 năm trở lại đây do ảnh hưởng của El Nino cũng như dòng chảy thượng lưu sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến rất phức tạp vì có sự chi phối các hồ chứa thượng lưu.

Đồng bằng sông Cửu Long có gần 4 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm gần 30% so với cả nước, trong đó diện tích trồng lúa là hơn 50%. Vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước với nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển này đang phải gồng mình hứng chịu thiên tai cấp 1, cấp 2 khốc liệt ngay từ đầu mùa khô 2015-2016.

Không còn lúa để mót

Trong cái nắng nóng trên 35 độ C, bà Lê Thị Tua (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) gầy còm còng mình mót lúa giữa đám ruộng người ta vừa gặt xong, trông như một chấm đen trên tờ giấy trắng. Ở thửa ruộng kế bên là chồng và đứa con thứ ba 14 tuổi của bà Tua, họ cũng đang cần mẫn dưới cái nắng như thiêu đốt để mót từng bông lúa máy gặt sót lại.

Thuộc diện hộ nghèo, nhà bà Tua không có mét vuông ruộng nào. Những vụ mùa trước đây, cả nhà bà thường đi mót lúa ở những cánh đồng đã gặt. Khi đó, lúa rơi rụng còn nhiều nên gia đình bà cũng đủ ăn.

Tuy nhiên, năm nay, lúa mất mùa, ruộng cả ngàn mét vuông chỉ thu hoạch được 700-800kg nên số lúa rơi rụng, sót lại chả là bao.

Bà Tua ngẩng lên, tay cầm lọn lúa xác xơ vừa mót được cho hay, bình thường, cả nhà bà mót lúa một ngày cũng được 20kg. Cả vụ thu hoạch được chừng 200kg lúa, tính ra gạo được khoảng 70kg, đủ cho gia đình ăn trong 6 tháng tới.

Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nghèo trên vựa lúa ảnh 2ánh đồng lúa Đông Xuân 2015 - 2016 bị chết khô do nhiễm mặn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Trên đường đi vào trụ sở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, phóng viên gặp em Lâm Thị Thu Thảo, ấp Sóc Léo. Thảo đã 19 tuổi mà người loắt choắt, cao chừng 1,5m, da đen nhẻm và là chị đầu của ba đứa em. Thảo đang trải ba miếng bao tải dùng đựng lúa xuống cái nền ruộng nứt toác, vì khô hạn đã nhiều ngày rồi đổ mấy kg lúa vừa mót được ra phơi.

Thảo cho biết, cánh đồng lúa sau nhà đã chết khô vì nhiễm mặn nên phải sang cánh đồng bên cạnh để mót lúa về ăn. Dù bên đó không bị nhiễm mặn, vẫn thu hoạch được nhưng do mất mùa nên số lúa mót được cũng chỉ được phân nửa so với mức 10kg/ngày như mọi năm.

Ba mẹ Thảo đã tới Bình Dương làm công nhân và cô cũng tính lên đó xin việc để sinh sống qua mùa khô này nhưng phải lo cho ba đứa em còn nhỏ cùng bà nội đã 70 tuổi nên chưa đi được.

Thiếu nợ, bỏ xứ ra đi

Theo Quốc lộ Nam Sông Hậu, từ Cống Một chạy về hướng Bạc Liêu dăm km rồi rẽ vào con đường xã Lịch Hội Thượng. Đi được vài chục thước đã có thể nhận ra phía bên phải đường là một màu vàng xỉn, bạc trắng của ruộng đồng khô cạn, lúa bắt đầu chết do mặn. Trên cái nền vàng úa, bàng bạc của cánh đồng hơn trăm héc ta đã bị nhiễm mặn , lác đác mấy con bò được người dân thả vào, đang bình thản ăn lúa.

Ông Thạch Sơn đang ngồi thẫn thờ trước ngôi nhà sát bên đám ruộng đang chết dần. Khuôn mặt chữ điền hốc hác, da mặt sạm đen không khác những bông lúa nhiễm mặn đang chết khô ngoài đồng sau nhà khiến ông già hơn nhiều so với cái tuổi 56.

Ông buồn bã: “Không còn gì nữa rồi, lúa đã chết hết cả. Ba đứa con đã bỏ đi Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Hai vợ chồng chúng tôi ở nhà với hai đứa cháu ngoại còn nhỏ và khoản nợ đại lý vài chục triệu đồng tiền giống lúa, phân bón… Sắp tới không biết lấy gì ăn, rồi sinh sống ra sao.”

Gia đình ông có hơn 5.000m2 lúa chết do nhiễm mặn; trong đó, của ông là một nửa, số còn lại là của hai người con đã phải bỏ xứ đi làm thuê.

Trụ sở xã Lịch Hội Thượng đúng ngày địa phương chuẩn bị giao quân vào ngày hôm sau nên vắng lặng khác thường. Trực tại ủy ban xã, ông Dư Minh Tâm-cán bộ địa chính-nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới chia sẻ, xã có 1.170ha lúa thì đến nay đã bị thiệt hại 816,4ha. Mức thiệt hại dưới 30% là 224,41ha; thiệt hại từ 30-50% là 91ha; từ 50-70% là 33,69ha và từ 70-100% là 467,31ha. Diện tích còn lại không bị thiệt hại vì được thu hoạch sớm.

Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nghèo trên vựa lúa ảnh 3Các lu trữ nước của gia đình ông Phạm Văn Hổ, ở ấp Tư, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã cạn kiệt. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Nước mặn xâm nhập vào nội đồng địa bàn xã Lịch Hội Thượng đợt đầu khoảng trước Tết Nguyên đán 2016 làm lúa mới gieo sạ phát triển èo ọt. Nhiều người bỏ luôn nhưng một số hộ vẫn tiếp tục cứu lúa.

Khi nước mặn vào đợt hai cũng là lúc có nước ngọt trở lại. Số người dân cứu lúa lần đầu tiếp tục cứu lúa lần thứ hai và kéo dài thêm được hơn 70 ngày nữa thì nước mặn lại tràn vào đợt ba. Lần này, nước quá mặn và kéo dài khiến lúa bị chết nhiều, không thể cứu nổi. Những hộ cố gắng cứu lúa đã lỗ hai đợt đầu nay lỗ càng nặng thêm.

Ở xã Lịch Hội Thượng, hộ nào cũng chịu cảnh mất mùa bởi ngập mặn. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sinh, ấp Nam Chánh có 35 công (1.000m2) lúa bị thiệt hại do mặn hơn 50%, diện tích còn lại thu hoạch được nhưng cũng bị mất mùa, chỉ đạt vài trăm kg/1.000m2. Ông Sinh đã phải vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Agribank để trả tiền giống, thuốc, phân bón cho đại lý.

Bi đát hơn, hộ ông Trần Út Quọ, ấp Sóc Léo có 4.000m2 và thuê thêm 4.000m2 ruộng để làm lúa kiếm lời vì vụ Đông Xuân thường trúng mùa, được giá. Thế nhưng, nước mặn xâm nhập làm toàn bộ diện tích lúa của ông chết hết. Ông Quọ đành bỏ xứ đi Bình Dương làm thuê đã gần tháng nay.

Theo ông Dư Minh Tâm, trong vòng một tháng trở lại đây, xã đã ký nhiều hồ sơ xin việc của người dân đi làm ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Cả xã bây giờ chủ yếu là người già và trẻ em ở lại. Xã đang đang gấp rút họp dân, thống nhất diện tích bị thiệt hại của từng hộ, lập danh sách số hộ cần hỗ trợ gửi lên trên.

Theo số liệu ban đầu, toàn xã có hơn 1/3 số hộ cần hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn; con số 98/1.700 hộ dân thuộc diện nghèo được dự báo gia tăng nhanh trong thời gian tới. Hộ đói thì chắc không có, vì trên địa bàn xã có ngôi chùa Hội Phước, người dân nào thiếu gạo ăn đều được ngôi chùa cũng như các nhà hảo tâm thông qua ngôi chùa này hỗ trợ, ông Tâm cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục