Hàn Quốc muốn Ấn Độ tiếp tục tham gia thỏa thuận thương mại RCEP

Tuy Ấn Độ tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào phút chót, nhưng Hàn Quốc vẫn muốn quốc gia châu Á tiếp tục tham gia thỏa thuận thương mại khổng lồ này.
Hàn Quốc muốn Ấn Độ tiếp tục tham gia thỏa thuận thương mại RCEP ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Bloomberg)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Hàn Quốc tại Indonesia Kim Chang-beom ngày 14/1 khẳng định Hàn Quốc muốn Ấn Độ vẫn là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Seoul cũng sẽ tiếp tục triển khai các bước đi cụ thể để thể hiện cam kết đối với sự thành công của các cuộc đàm phán RCEP.

Đại sứ Kim Chang-beom nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà đàm phán của Indonesia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hồi tuần trước, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Yeo Han-koo đã đến Indonesia gặp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Trưởng đoàn đàm phán RCEP Iman Pambagyo để thảo luận về các bước phải thực hiện để các mục tiêu RCEP được thống nhất trong năm nay có thể được thực hiện.

[Hàn Quốc nỗ lực thúc đẩy RCEP cùng với các nước ASEAN]

Hàn Quốc cho rằng RCEP rất quan trọng đối với các nền kinh tế có hướng xuất khẩu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa chấm dứt và sự suy yếu của ngành công nghiệp toàn cầu.

RCEP cũng được xem xét theo Chính sách hướng Nam mới do Tổng thống Moon Jae-in đưa ra, nhằm tăng cường quan hệ chiến lược kinh tế với các nước ASEAN.

Theo số liệu do hãng thông tấn Yonhap công bố, xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 542,4 tỷ USD năm 2019, giảm 10,3% so với năm trước đó, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên sau 10 năm xuất khẩu hàng năm của nước này giảm hai con số.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa danh mục xuất khẩu của mình, các quốc gia Đông Nam Á chiếm hơn 20% xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2019, tăng so với 19,1% năm 2018.

RCEP là một hiệp định thương mại có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 quốc gia đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) tháng 11/2019, chỉ có 15 quốc gia thành viên đã nhất trí ký thỏa thuận RCEP, ngoại trừ Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.