Hàn Quốc muốn trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực hàng không

Hàn Quốc sẽ đầu tư 102 triệu USD để nghiên cứu sâu hơn về các công nghệ hàng không hiện đại và kế hoạch này phù hợp với định hướng phát triển 10 năm của Hàn Quốc.
Hàn Quốc muốn trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực hàng không ảnh 1Máy bay của Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air tại sân bay Gimpo ở Seoul. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàn Quốc ngày 5/3 công bố kế hoạch đầu tư hơn 115 tỷ won (102 triệu USD) trong năm nay để nghiên cứu sâu hơn về các công nghệ hàng không hiện đại, trong bối cảnh nước này tuyên bố không bổ sung thêm biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc khẳng định kế hoạch trên phù hợp với định hướng phát triển 10 năm của Hàn Quốc, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đạt được bước tiến không chỉ trong phân khúc hàng không dân dụng, mà còn trong lĩnh vực quân sự và thiết bị bay không người lái.

Mục tiêu của Hàn Quốc là phát triển các công nghệ để đưa nước này lên vị trí dẫn đầu ngành hàng không trong tương lai đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia châu Á này.

[Hàn Quốc công bố các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho ngành hàng không]

Theo kế hoạch trên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi gần 83 tỷ won để hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện hàng không, đồng thời phân bổ 26,5 tỷ won khác cho phân khúc máy bay không người lái, bao gồm dự án phát triển máy bay không người lái chở hàng chạy bằng hydro có công suất 200kg.

Theo định hướng phát triển 10 năm mà Hàn Quốc đã đề ra, nước này sẽ tập trung vào sự phát triển của lĩnh vực di chuyển hàng không đô thị (UAM). Chính phủ nước này đang tìm cách phát triển các công nghệ chủ chốt phục vụ thương mại hóa.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng cho biết thị trường toàn cầu của ngành UAM sẽ đạt 61,5 tỷ USD vào năm 2030.

Báo cáo của bộ này cho biết quy mô của thị trường hàng không toàn cầu trong năm 2020 đạt gần 469 tỷ USD, giảm 36% so với một năm trước đó. Con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 568 tỷ USD trong năm 2021 và đạt bằng mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2024 và có thể đạt tới trên 946 tỷ USD vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.