Hàn Quốc muốn xây dựng đô thị thông minh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện KIND đang chọn lựa chọn 1 trong 5 thành phố ở khu vực này gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, (Rạch Giá) Kiên Giang và Trà Vinh để triển khai đầu tư một dự án thành phố thông minh.
Hàn Quốc muốn xây dựng đô thị thông minh ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Lãnh đạo thành phố Cần Thơ làm việc với Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Chiều 12/10, tại thành phố Cần Thơ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố làm việc với đoàn công tác Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) thuộc Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tại buổi làm việc, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đang có nhu cầu phát triển các lĩnh vực như: quản lý điều hành hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp; theo dõi biến đổi khí hậu, môi trường trong đô thị; quản lý, phát triển đô thị, nhà ở, dân cư, sử dụng đất đai một cách hiệu quả; giao thông thông minh và những lĩnh vực do cơ quan chính quyền theo dõi.

Đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý có sử dụng cơ sở dữ liệu, trích xuất dữ liệu để giúp cho các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố có được các kết quả phân tích dữ liệu để hoạch định giải pháp phát triển thành phố...

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, dù địa phương có xây dựng chương trình phát triển nhà ở nhưng hiện nay nhu cầu còn rất cao, chưa đáp ứng được đối tượng theo từng phân khúc thị trường. Cụ thể là nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở thuộc phân khúc cao cấp cho giới chuyên gia.

[Xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố hiện đại, đậm bản sắc ĐBSCL]

Đặc biệt, có một số khu đất đã được nhà đầu tư triển khai làm khu đô thị, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở phân lô bán nền chứ chưa đủ khả năng xây dựng các sản phẩm nhà ở hoàn thiện cũng như các dịch vụ tiện ích cần thiết, dẫn đến một số vị trí đất bị bỏ trống nhiều năm qua.

"Do đó, thành phố đang cần các đơn vị có đủ khả năng tham gia đầu tư, phối hợp triển khai dự án," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ mong muốn nhà đầu tư Hàn Quốc đến đầu tư các trung tâm thương mại lớn tại Cần Thơ để phục vụ cho cả các nhà đầu tư đến từ những quốc gia khác.

Để thể hiện quyết tâm thu hút đầu tư, vừa qua Cần Thơ đã mở đường bay thẳng tới Hàn Quốc; đồng thời, thành phố cũng đang từng bước giải quyết các nhu cầu cho chuyên gia Hàn Quốc khi đến làm việc tại đây. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, thành phố sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề có liên quan đến chính quyền một cách nhanh gọn nhất để làm sao hai bên triển khai thành công các dự án.

Ông Seo Teakwon, Phó Chủ tịch điều hành Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài cho biết, tổ chức này đã được Chính phủ Hàn Quốc cấp một số ngân sách để làm một số dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện KIND đang chọn lựa chọn 1 trong 5 thành phố ở khu vực này gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, (Rạch Giá) Kiên Giang và Trà Vinh để triển khai đầu tư một dự án thành phố thông minh.

Theo ông Seo Teakwon, so với bốn địa phương còn lại thì Cần Thơ có lợi thế là thành phố có quy mô lớn nhất và có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt nên nếu đầu tư tại đây thì sẽ có nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến của các cơ quan Trung ương của Việt Nam cho rằng, nên đầu tư cho các tỉnh còn khó khăn thay vì vào thành phố lớn để thúc đẩy các địa phương này phát triển nhanh hơn, Do đó, hiện phía KIND vẫn đang nghiên cứu cụ thể từng phương án.

Đại diện KIND cũng chia sẻ mong muốn là đầu tư xây dựng đô thị thông minh vào một điểm nhấn tập trung nào đó của thành phố Cần Thơ và đề nghị được đi khảo sát thực tế khu đất mà Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã giới thiệu.

Theo thông tin từ Văn phòng KIND tại Việt Nam, đây là cơ quan đại diện cho Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn quốc chuyên trách thúc đẩy các dự án hợp tác công tư (PPP) tại nước ngoài, có khả năng đầu tư trực tiếp vào các dự án với tư cách là nhà đầu tư thông qua việc mua lại một phần vốn chủ sở hữu hoặc với tư cách là bên cho vay trực tiếp. Hiện tại, tổ chức này đang quản lý các quỹ đầu tư với tổng số vốn lên tới 1,5 tỷ USD.

Lĩnh vực đầu tư, hỗ trợ của KIND bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, điện lực, năng lượng; hóa dầu; nguồn nước và hạ tầng về môi trường. Tại Việt Nam, KIND đang có các dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị với tổng vốn đầu tư 390 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.