Hàn Quốc nỗ lực biến thách thức thành cơ hội phục hồi kinh tế sau dịch

Hàn Quốc sẽ hỗ trợ gói tín dụng hơn 29,5 tỷ USD cho doanh nghiệp và nới lỏng quy trình thẩm định các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ bảo lãnh, bảo hiểm xuất khẩu.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 2, trái) chủ trì phiên họp thứ 4 của Hội đồng kinh tế khẩn cấp về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Seoul, ngày 8/4/2020. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 2, trái) chủ trì phiên họp thứ 4 của Hội đồng kinh tế khẩn cấp về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Seoul, ngày 8/4/2020. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)

Ngày 8/4, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành cuộc họp kinh tế khẩn cấp và chốt phương án tập trung tăng cường xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động mạnh tới nền kinh tế nước này.

Các nội dung chính của phương án gồm giải quyết khó khăn xuất khẩu, ổn định mạng lưới cung ứng toàn cầu và giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cho doanh nghiệp.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, để giải quyết khó khăn xuất khẩu, chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ gói tín dụng hơn 36.000 tỷ won (29,49 tỷ USD) cho doanh nghiệp và nới lỏng quy trình thẩm định các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ bảo lãnh, bảo hiểm xuất khẩu.

Chính phủ cũng đồng thời mở dịch vụ trực tuyến tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp hồ sơ, giảm bớt số lượng hồ sơ cần chuẩn bị và rút ngắn thời gian thẩm định.

[Kinh tế Hàn Quốc năm 2020 được dự báo tăng trưởng âm sau 22 năm]

Ngoài hỗ trợ tín dụng, các cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng xúc tiến tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp trực tuyến, hỗ trợ tư vấn, kết nối và ký hợp đồng từ xa, ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) để tổ chức 50 cuộc triển lãm đặc biệt “Hàn Quốc trực tuyến” với 10 gian hàng mỗi lần.

Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Cơ quan Hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KOSMES) cho biết sẽ đẩy mạnh dự án của các doanh nghiệp do đại diện tại nước ngoài thực hiện.

Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ nỗ lực hết sức để duy trì nền tảng xuất khẩu song phương và đa phương trong bối cảnh khó khăn nhân lực do các quy định phòng dịch như cấm nhập cảnh hay cách ly bắt buộc.

Phương án sử dụng chuyên cơ để đảm bảo nhu cầu đi lại giữa các nước của các doanh nghiệp cũng được để ngỏ.

Hàn Quốc dự kiến sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề cho phép nhập cảnh lực lượng kỹ sư nước ngoài cần thiết để vận hành các dây chuyền sản xuất thiết yếu trong nước.

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa, số chuyến bay và tàu biển chở hàng cũng sẽ được tăng cường.

Theo đó, những máy bay chuyên chở khách đang trong thời gian nghỉ sẽ được tận dụng để chở hàng, đảm bảo vận chuyển 50% khối lượng hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng đường hàng không.

Chính phủ Hàn Quốc cho phép tăng cường hoạt động các chuyến tàu biển chở hàng trong khu vực Đông Bắc Á, tăng số chuyến đi châu Mỹ và châu Âu, và hỗ trợ 70% chi phí đóng hàng, bảo quản hàng.

Hàn Quốc nỗ lực biến thách thức thành cơ hội phục hồi kinh tế sau dịch ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 19/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Hàn Quốc, bộ xét nghiệm và dung dịch sát trùng tay lại trở thành những mặt hàng chủ lực.

Do đó, Hàn Quốc sẽ tập trung hỗ trợ xuất khẩu 7 nhóm mặt hàng gồm dụng cụ y tế, dụng cụ vệ sinh, thực phẩm chức năng, dụng cụ nấu ăn tại nhà, dụng cụ chăm sóc sắc đẹp, thiết bị điện gia dụng làm sạch nhà và thiết bị kỹ thuật số, đồng thời tăng cường đưa những nội dung giới thiệu, quảng cáo ra nước ngoài.

Đặc biệt, với bộ dụng cụ chẩn đoán đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch hỗ trợ trong các khâu cấp phép sử dụng, phân phối, thông quan, tiếp thị để thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu.

Chính phủ sẽ theo dõi thị trường sát sao, đảm bảo mạng lưới cung ứng toàn cầu trong mọi tình huống.

Hàn Quốc cũng hỗ trợ vốn và mặt bằng cho các doanh nghiệp để đảm bảo kho hàng, đồng thời dự trữ các kim loại hiếm, dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bằng cách mua bán và sáp nhập các công ty nước ngoài, tạm nới lỏng các quy định về môi trường và vận dụng gói bảo lãnh đặc biệt.

Bất chấp dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo, các dự án nghiên cứu và phát triển vẫn được thực hiện và có phần được đẩy mạnh hơn.

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tối đa 2.200 tỷ won (1,8 tỷ USD) cho các dự án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.