Công nghệ hiện đại và âm nhạc cổ xưa đã được các nhóm nghiên cứu Hàn Quốc kết hợp với nhau để hồi sinh những bản nhạc cổ có tuổi đời 600 năm của vua Sejong.
Theo ghi chép, vua Sejong (1397-1450) đã từng sáng tác nên một tác phẩm âm nhạc có tên gọi “Bongnaeui” bao gồm ba bản nhạc có tên là “Yeomillak,” “Chihwapyeong” và “Chwipunghyeong.”
Trong số đó, chỉ có bản "Yeomillak" dù đã trải qua nhiều thay đổi khác nhau trong suốt thời đại Joseon (1392-1910) nhưng vẫn tiếp tục được trình diễn cho đến ngày nay. Hai tác phẩm còn lại chỉ tồn tại dưới dạng bản thảo nên không thể biểu diễn được.
Kim Young-woon, giám đốc Trung tâm Gugak Quốc gia Hàn Quốc (NGC) cho biết: “Dự án Phục hồi âm nhạc Hàn Quốc 600 năm tuổi bằng trí tuệ nhân tạo bắt đầu với câu hỏi: ‘Âm nhạc cổ đã mất sẽ như thế nào nếu nó được truyền lại và vẫn được chơi cho đến ngày nay?’”
“Ngay cả khi chúng tôi có bản thảo âm nhạc, thật khó để biết chính xác nhịp điệu, tốc độ và tiêu chuẩn cao độ của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, vì những điều này không được ghi lại chính xác trong các nốt nhạc truyền thống. Mỗi nốt nhạc có thể khác nhau và ký hiệu cho 'sigimsae' (các nốt trang trí giữa các nốt giai điệu chính) bị thiếu, khiến việc khôi phục trở nên rất khó khăn một khi âm nhạc bị mất,” Park Jeong-gyeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại NGC giải thích.
Để có thể xác định được hai bản nhạc bị mất có thể sẽ thay đổi như thế nào nếu chúng được truyền tải xuyên thời gian như "Yeomillak," nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp khác nhau - thuật toán tiến hóa và học sâu (evolutionary algorithms và deep learning) - để khôi phục âm nhạc.
Đầu tiên, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ âm nhạc AI CreativeMind sử dụng các thuật toán tiến hóa - thuật toán sử dụng các quy trình bắt chước hành vi của sinh vật sống – để phân tích những thay đổi trong "Yeomillak" theo thời gian và xây dựng thuật toán để tạo ra giai điệu của "Chihwapyeong" và "Chwipunghyeong" mô phỏng cách chúng đã được truyền lại cho đến nay.
Thứ hai, bằng cách sử dụng phương pháp học sâu, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Sogang đã sử dụng bộ dữ liệu gồm 85 điểm dành riêng cho từng nhạc cụ do NGC công bố từ năm 2014 đến năm 2016. Nhóm đã tái tạo "Chihwapyeong" và "Chwipunghyeong" bằng cách tuân thủ cấu trúc của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc hiện có bằng cách sử dụng dữ liệu nghiên cứu.
Cả hai nhóm cho biết thách thức lớn nhất của họ là sự khác biệt giữa ký hiệu âm nhạc cung đình truyền thống của Hàn Quốc và ký hiệu khuông nhạc hiện đại, đòi hỏi phải có một mô hình mới cho gugak (âm nhạc truyền thống Hàn Quốc) nói chung và đảm bảo đầy đủ dữ liệu để AI học hỏi.
"Mặc dù các bản nhạc được tạo ra bởi AI, nhưng các kỹ thuật biểu diễn khác nhau được thể hiện đều do các nhạc sỹ biểu diễn dựa trên cách diễn giải 'Yeomillak' của họ. Trong khi AI tạo ra bản nhạc thì chính các nhạc sỹ mới là người hoàn thiện bản nhạc,” Park Jeong-gyeong cho biết.
Kim Young-woon cũng giải thích thêm về ý nghĩa đằng sau các tựa đề âm nhạc: "Yeomillak" có nghĩa là "hưởng thụ cùng mọi người," "Chihwapyeong" có nghĩa là "đạt được hòa bình" và "Chwipunghyeong" có nghĩa là "tận hưởng sự sung túc và thịnh vượng." Đây là những thông điệp mà Vua Sejong muốn truyền tải thông qua âm nhạc của mình./.