Hàn Quốc hỗ trợ kỷ lục cho ngành công nghiệp nội dung, văn hoá

Hàn Quốc hỗ trợ kỷ lục cho khởi nghiệp của ngành công nghiệp nội dung

Bộ Văn hóa Hàn Quốc sẽ tài trợ 790 tỷ won để đầu tư, hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mạo hiểm trong ngành công nghiệp nội dung nhằm sản xuất các nội dung văn hóa.
Hàn Quốc hỗ trợ kỷ lục cho khởi nghiệp của ngành công nghiệp nội dung ảnh 1Ban nhạc BTS biểu diễn tại Seoul, Hàn Quốc ngày 14/3/2022. (Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN)

Hàn Quốc sẽ chi khoảng 790 tỷ won (622,5 triệu USD) để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghiệp nội dung trong năm 2023 nhằm tăng xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc.

Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ Hàn Quốc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong năm 2022, Bộ văn hóa Hàn Quốc đã chi 526,8 tỷ won để hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nội dung.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ nỗ lực để biến năm 2023 thành năm đầu tiên trong triển khai mục tiêu đưa đất nước trở thành một cường quốc du lịch, tạo ra một cụm du lịch theo chủ đề lịch sử-văn hóa tại các khu phố cổ xung quanh khu văn phòng tổng thống cũ (Cheong Wa Dae) ở trung tâm Seoul.

[YouTube dành thêm ưu đãi cho các nhà sáng tạo nội dung]

Chính phủ Hàn Quốc trong thông báo ngày 5/1 cho biết kế hoạch trên đã được phản ánh trong chương trình hoạt động năm 2023 bao gồm 6 điểm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Park Bo-gyoon. Kế hoạch này đã được trình lên Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. 

Ngành công nghiệp nội dung là một thuật ngữ chung chỉ các tổ chức cung cấp các tác phẩm có bản quyền cho công chúng, chẳng hạn như xuất bản, âm nhạc, trò chơi, phát sóng, phim, phim hoạt hình, hoạt hình và nhân vật…

Theo kế hoạch, Bộ Văn hóa Hàn Quốc sẽ tài trợ 790 tỷ won để đầu tư, hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mạo hiểm trong ngành công nghiệp nội dung nhằm sản xuất các nội dung văn hóa.

Kế hoạch đầy tham vọng này được đưa ra khi ngành công nghiệp này đã trở thành một ngành dẫn đầu trong xuất khẩu của Hàn Quốc những năm gần đây trong bối cảnh sự bùng nổ trên phạm vi toàn cầu của các sản phẩm văn hóa đại chúng Hàn Quốc như phim ảnh, phim truyền hình và nhạc pop, còn được gọi là làn sóng Hàn "hallyu."

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa của Hàn Quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2021 là 12,4 tỷ USD. Kết quả này là nhờ sự bùng nổ trên toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Theo phân tích của Bộ Văn hóa Hàn Quốc con số này vượt xa các lĩnh vực như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), pin thứ cấp (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và bảng hiển thị (3,6 tỷ USD). 

Bộ Văn hóa Hàn Quốc công bố sẽ trợ giúp các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mạo hiểm trong ngành hiện thực hóa ý tưởng của họ ngay từ giai đoạn đầu lập kế hoạch và phát triển sản phẩm.

Ngay trong năm nay, chính phủ Hàn Quốc sẽ chi 56,4 tỷ won cho chương trình đào tạo 10.000 chuyên gia có năng lực sáng tạo nội dung bằng công nghệ mới trong vòng 3 năm tới.

Hàn Quốc hỗ trợ kỷ lục cho khởi nghiệp của ngành công nghiệp nội dung ảnh 2Nhà Xanh mở cửa đón khách tham quan. (Ảnh minh họa: Anh Nguyên/TTXVN)

Một nội dung quan trọng khác trong kế hoạch hoạt động của Bộ Văn hóa Hàn Quốc năm 2023 liên quan đến việc kết nối ngày càng tăng ở nước ngoài của văn hóa đại chúng Hàn Quốc với việc phục hồi ngành du lịch trong nước.

Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc sẽ lấy năm 2023 là "Năm du lịch Hàn Quốc" và tổ chức các buổi quảng bá du lịch Hàn Quốc tại 15 thành phố lớn trên thế giới với trọng tâm thu hút là văn hóa-lịch sử.

Theo đó, Hàn Quốc sẽ tạo ra cụm du lịch lịch sử-văn hóa tại các khu phố cổ, tập trung vào khu phủ tổng thống cũ Cheong Wa Dae nằm ở trung tâm Seoul kết nối với Cung điện Gyeongbok và các khu phố cổ xung quanh vốn đã nổi tiếng những ngôi nhà hanok xinh đẹp, phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng, quán càphê và nhà hàng.

Khu phủ Tổng thống cũ đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol thực hiện cam kết chuyển phủ tổng thống đến địa điểm mới và mở cửa khu phức hợp phủ tổng thống cũ cho công chúng.

Hơn 2,7 triệu lượt du khách đã tham quan khu phức hợp Phủ Tổng thống kể từ khi nó được mở cửa cho công chúng từ tháng 5 năm 2022. 

Để tạo thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cải thiện hệ thống ủy quyền du lịch điện tử, được gọi là K-eta, và tạo ra thị thực thực tập sinh văn hóa K, cho phép người nước ngoài đến thăm Hàn Quốc để tìm hiểu về văn hóa của nước này trong thời gian lưu trú lên đến hai năm.

Với kế hoạch nêu trên, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng thu nhập của đất nước từ du lịch lên 30 tỷ USD với việc thu hút 30 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2027 từ mức 10,3 tỷ USD và 970.000 lượt khách vào năm 2021.

Để đáp ứng nhu cầu học tiếng Hàn ngày càng tăng của những người hâm mộ toàn cầu về văn hóa đại chúng Hàn Quốc, trong năm 2023, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới toàn cầu của Viện King Sejong, một tổ chức giáo dục tiếng Hàn do chính phủ bảo trợ lên 270 cơ sở trên toàn cầu thay vì 244 cơ sở hiện tại.

Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Bộ cũng bao gồm các chính sách hỗ trợ các nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo trong âm nhạc cổ điển Hàn Quốc, thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữa các khu vực trong nước về cơ sở hạ tầng văn hóa và du lịch, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận văn hóa cho những người yếu thế trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục